Pages

0

Sếp mới – lính cũ


Bước qua một công ty mới, không chỉ có nhân viên mới mà cả những “sếp” mới cũng lạ lẫm với môi trường làm việc mới. Và vì vậy, họ thường bị nhân viên cũ “nắn gân” hoặc không tuân phục.
Không phải “sếp” nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua ải của đám lính cũ, nhất là những người đã làm việc lâu năm trong công ty. Trên cộng đồng dân văn phòng Motibee.com đã bầu chọn ra 5 khó khăn mà “sếp mới” có thể gặp phải với “lính cũ” cùng với các giải pháp để hóa giải.

1.     Không vượt qua được cái bóng sếp cũ
Có thể người tiền nhiệm đã khoác áo ra đi là một tài năng và để trong lòng người ở lại sự nể trọng, hoặc đơn giản chỉ do họ là người đã gắn bó khá lâu với cả đội ngũ cũ. Dù như thế nào thì cũng sẽ khó khăn cho bạn trong việc “lật đổ tượng đài” của vị sếp cũ. Hãy bằng một cách khéo léo, PR về bản thân mình trước tiên để gây ấn tượng ban đầu với nhân viên cũ. Chẳng hạn bạn có thể nói: “Trước đây tôi từng làm việc 5 năm trong một Agency quảng cáo của nước ngoài, 6 năm trong một tập đoàn hàng tiêu dùng cũng với vị trí trưởng phòng marketing, sau khi đã xây dựng thành công thương hiệu A thì tôi quyết định ra đi tìm sự thử thách mới cho mình. Tuy nhiên mỗi môi trường đều có những điều mới mẻ cho nên không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu, rất mong các bạn sẽ hỗ trợ tôi” – một lời giới thiệu không quá phô trương nhưng nói lên thành tích, kinh nghiệm và biểu lộ sự khiêm tốn nhất định.
Điều tối kỵ là công kích vị sếp cũ, cho dù bạn nghĩ rằng đường lối của vị sếp đi trước hoàn toàn không phù hợp thì cũng đừng nên vì thế mà chê bai họ và đề cao mình. Việc này không làm cho nhân viên cũ nể bạn hơn mà còn coi bạn là người thích kèn cựa người khác.
2.     Nhân viên có tâm lý “lợi thế của người cũ”
Với lợi thế am hiểu về công ty, sản phẩm, quy trình sản phẩm…, nhiều nhân viên, nhất là nhân viên có thâm niên trong công ty tìm cách lấn lướt người mới, Cách đối xử của bạn đối với họ nên khéo léo, thân thiện trong giao tiếp nhưng cứng rắn trong các buổi họp. Bạn có thể thông qua thái độ vui vẻ, thân thiện để gây cảm tình với họ, nhưng trong email, cuộc họp, hãy tỏ ra quyết đoán và nghiêm túc. Hãy nhắc nhở những cá nhân chưa hoàn thành công việc, đưa ra những thời hạn cụ thể phải hoàn thành. 
Một điều không thể thiếu, đó là bạn cần phải dành thời gian nghiên cứu thật kỹ lại hồ sơ cũ, nắm rõ sản phẩm và quy trình làm việc cũ. Chỉ khi nào nắm rõ những điều cũ thì chúng ta mới thuyết phục được mọi người những điểm nào chưa ổn cần phải thay đổi, lúc đó họ mới thấy được tính cấp thiết của việc thay đổi, cải tiến này.
3.     Nhân viên thường nghĩ rằng sếp mới không phải là chuyên gia
Từ kinh nghiệm cũ, chuyên môn cũ bước sang một lãnh vực mới, nhiều nhân viên sẽ nhìn nhận bạn là người “không có chuyên môn” về lãnh vực của họ, từ đó dẫn đến các phản ứng chống đối. Hãy dành thật nhiều thời gian nghiên cứu về sản phẩm, tìm hiểu thị trường và các đối thủ cạnh tranh… để có được kiến thức hoàn hảo nhất nhằm khẳng định cho nhân viên thấy bạn không phải là kẻ amateur.
Trường hợp của anh Nghĩa, trưởng phòng kinh doanh một công ty bán máy móc thiết bị công nghiệp là một ví dụ. Xuất thân từ lãnh vực hàng tiêu dùng, khi tiếp nhận công việc tại công ty mới, các nhân viên cũ tỏ ra không tin tưởng vào khả năng và kinh nghiệm của anh, họ cho rằng thiết bị công nghiệp là một lãnh vực rất đặc thù, một người chuyên bán hàng tiêu dùng như anh làm sao mà thích ứng được.
Tuy nhiên, vốn tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh không khó gì trong việc nắm các thông số, chủng loại máy móc. Khi cùng với nhân viên đi gặp khách hàng, anh làm cho nhân viên của mình bị thuyết phục hoàn toàn với cách bán hàng ngoạn mục cho khách hàng. Từ đó nhân viên tâm phục khẩu phục anh hoàn toàn.
4.     Nhân viên cho rằng họ sắp có thêm việc phải làm
Những người lãnh đạo thường ít muốn thừa kế lại những gì của người cũ, và họ có xu hướng muốn cải cách lại tất cả, từ quy trình đến nội dung công việc. Nhân viên cũ cảm thấy mọi thứ đang yên ổn, giờ lại bị đảo lộn tùng phèo, và có thêm nhiều việc phải làm như làm quen với quy trình mới, phải nhận thêm nhiều công việc hơn… và họ thấy rằng vị sếp mới dường như chỉ “làm khổ” họ thêm. Hãy thu phục họ bằng cách chỉ ra cho họ thấy những quyền lợi bạn có thể đem về cho họ, ví dụ như kiến thức thông qua các buổi tập huấn, cơ hội rèn luyện với thử thách mới, cơ hội thăng tiến, tăng lương, tăng hoa hồng…
Bạn cũng không nên quá nóng vội với những thay đổi, cải cách, hãy gầy dựng uy tín dần dần qua những cải tiến nho nhỏ, một vài thành công bước đầu sẽ làm đòn bẩy cho bạn, gây hiệu ứng cho những nhân viên cũ và cả công ty. Lúc đó bạn bắt đầu trình bày hàng loạt sáng kiến của mình cũng chưa muộn, lúc này những nhân viên cũ chắc chắn sẽ nhìn nhận bạn bằng một con mắt khác và ủng hộ bạn nhiều hơn.
5.     Nhân viên nghĩ rằng mình không còn cơ hội tiến thân
Sẽ có thể có một vài người trong số các nhân viên cũ nghĩ rằng họ sẽ được cất nhắc lên làm quản lý khi người sếp cũ ra đi, nhưng khi bạn được tuyển vào, họ sẽ thấy tất cả hy vọng tiêu tan. Bạn hãy vỗ về tâm lý họ bằng cách cho họ thấy con đường thăng tiến của họ vẫn còn phía trước nếu họ “phò tá” bạn làm cho cả bộ phận mạnh lên, hãy chia sẻ quan điểm phát triển của mình, chẳng hạn từ một bộ phận nhỏ trong công ty, bạn mong muốn phát triển thành một bộ phận lớn có nhiều nhóm nhỏ do nhiều người lãnh đạo bên dưới. Đừng ngại khen ngợi họ trước mặt các nhân viên khác trong phòng và nếu cần, hãy đề xuất tăng lương cho họ, hoặc cho họ một chức vụ nhỏ nào đó để họ nhìn thấy tiềm năng phát triển bản thân của mình.
Với vai trò là một người quản lý, bạn cũng cần chia sẻ cho nhân viên cũ niềm tin của mình vào tiền đồ tươi sáng của công ty. Họ chỉ cảm thấy tin tưởng vào con đường bạn đã định hướng cho đội nhóm của mình và dốc sức vì bạn khi họ cảm thấy được yên ổn và an toàn.


0

7P TRONG MARKETING


Marketing trong thế kỷ 21 không còn bó hẹp trong công thức 4P truyền thống nữa mà đã và đang mở rộng ra thêm 3P thành Công thức 7P. Những nỗ lực Marketing sẽ được tiếp thêm nhiều năng lực và đánh bại các đối thủ cạnh tranh với công thức mới này. Một khi bạn đã xây dựng xong chiến lược Marketing, công thức 7P nên được sử dụng để liên tục đánh giá và tái đánh giá các hoạt động kinh doanh của bạn. 7P đó là Product (Sản phẩm), Price (Giá), Promotion (Chiêu thị), Place (Phân phối), Packaging (Đóng gói), Positioning (Định vị) và People (Con người).
Trong bối cảnh các sản phẩm, thị trường, khách hàng và nhu cầu thay đổi nhanh chóng, bạn sẽ phải không ngừng quan tâm tới 7 chữ P này để chắc chắn rằng bạn vẫn đi đúng con đường và đạt được những kết quả tốt nhất có thể cho doanh nghiệp trên thị trường.

1) Product – Sản phẩm
Để bắt đầu, bạn hãy tạo dựng thói quen nhìn vào các sản phẩm của bạn như thể bạn là một nhà tư vấn Marketing bên ngoài được công ty thuê để giúp đỡ quyết định xem nên hay không nên đưa nó ra thị trường vào thời điểm này. Có nhiều câu hỏi quan trọng cần đặt ra, chẳng hạn như: Sản phẩm hay dịch vụ hiện tại có tương thích và phù hợp với thị trường và với các khách hàng ngày nay?
Những thói quen đánh giá sản phẩm hay dịch vụ một cách chân thực và tự hỏi: Đó có phải là những sản phẩm hay dịch vụ thích hợp với các khách hàng của mình?” là rất quan trọng.
Hãy so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm hay dịch vụ của bạn có vượt trội ở một vài phương diện nào đó? Nếu có, đó là cái gì? Còn nếu không, bạn có thể xây dựng cho sản phẩm hay dịch vụ những vượt trội như thế? Bạn có nên đưa ra sản phẩm hay dịch vụ này trong thị trường hiện tại?
2) Prices – Giá
Chữ P thứ hai đó là Price – Giá. Hãy phát triển thói quen thường xuyên xem xét và xem xét lại các mức giá của các sản phẩm và dịch vụ bạn đang cung cấp để đảm bảo rằng nó luôn phù hợp với thực tế của thị trường hiện tại. Đôi lúc bạn có thể cần giảm giá các sản phẩm, dịch vụ.
Nhiều doanh nghiệp thấy rằng lợi nhuận của một sản phẩm hay dịch vụ nào đó không có sự tương đồng với các công sức và nguồn lực bỏ ra để sản xuất chúng. Bằng việc nâng giá, các doanh nghiệp có thể đánh mất một số lượng khách hàng, nhưng tỷ lệ % khách hàng còn lại có thể sẽ phát sinh lợi nhuận trên từng giao dịch bán hàng. Điều này có thích hợp với bạn?
Đôi lúc bạn cần thay đổi các điều khoản và điều kiện bán hàng. Đôi lúc bằng việc kéo giãn mức giá của bạn trong một vài tháng hay một vài năm, bạn có thể bán được nhiều hàng hơn. Đôi lúc bạn có thể phối kết hợp sản phẩm và dịch vụ cùng với nhau để có các chào hàng hay các xúc tiến đặc biệt. Đôi lúc bạn có thể đưa vào một hai khuyến mãi nhỏ nào đó mà ít tốn kém chi phí song khiến mức giá của bạn hấp dẫn hơn đối với các khách hàng.
Trong kinh doanh, đúng như bản chất của nó, bất cứ khi nào bạn thấy được một sự kháng cự hay thất vọng đối với bất cứ phần nào của các hoạt đông bán hàng hay Marketing, hãy sẵn sàng xem xét lại bộ phận đó. Hãy sẵn sàng với khả năng rằng cấu trúc giá cả hiện tại của bạn có thể chưa thích hợp với thị trường trong cùng thời điểm. Hãy sẵn sàng với nhu cầu đánh giá lại các mức giá nhằm duy trì tính cạnh tranh, sống sót và tăng trưởng trong một thị trường thay đổi nhanh chóng.
3) Promotion – Chiêu thị
Thói quen thứ ba trong Marketing và bán hàng đó là suy nghĩ về việc quảng bá sản phẩm. Quảng bá sản phẩm bao gồm tất cả các cách thức bạn có thể nói với khách hàng về sản phẩm hay dịch vụ của bạn và làm thế nào bạn có thể Marketing và bán chúng.
Những thay đổi nhỏ trong cách thức bạn quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong kết quả kinh doanh. Thậm chí cả những thay đổi nhỏ trong quảng cáo cũng có thể dẫn ngay tới doanh số bán hàng cao hơn. Các copywriter giàu kinh nghiệm có thể gia tăng tỷ lệ phản hồi của các quảng cáo lên tới 500% bằng đôi chút chỉnh sửa tiêu đề trên quảng cáo.
Các doanh nghiệp lớn và nhỏ không ngừng nghỉ thử nghiệm các cách thức khác nhau để quảng cáo và bán sản phẩm hay dịch vụ của họ. Và đây là quy tắc: Sớm hay muộn, bất cứ phương pháp Marketing hay bán hàng nào bạn đang sử dụng ngày nay sẽ ngừng hiệu quả. Đôi lúc nó không còn hiệu quả vì một vài lý do bạn biết và đôi lúc vì một vài lý do bạn không biết. Trong mọi trường hợp, các phương pháp Marketing và bán hàng của bạn cuối cùng sẽ không còn hiệu quả nữa, và bạn sẽ phải tạo dựng những chiến lược, chào mời và phương pháp Marketing, bán hàng và quảng cáo mới.
4) Place – Phân phối
Chữ P thứ tư trong Công thức Marketing 7P đó là cách thức phân phối/kênh phân phối sản phẩm hay dịch vụ. Hãy phát triển thói quen xem xét và suy nghĩ kỹ lưỡng về kênh phân phối, nơi các khách hàng gặp gỡ nhân viên bán hàng. Đôi lúc sự thay đổi trong kênh phân phối sẽ dẫn tới kết quả tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh mẽ.
Bạn có thể bán sản phẩm của mình tại nhiều kênh phân phối khác nhau. Một vài công ty sử dụng cách thức bán hàng trực tiếp, cử các nhân viên bán hàng ra ngoài để tiếp xúc cá nhân và nói chuyện trực tiếp với các khách hàng. Một vài công ty sử dụng Marketing từ xa. Một vài công ty bán hàng qua catalogue hay thư đặt hàng. Một vài công ty bán hàng tại các hội trợ hay địa điểm bán lẻ. Một vài công ty bán hàng trong mối liên minh với các sản phẩm hay dịch vụ tương tự. Một vài công ty sử dụng các đại diện bán hàng hay các nhà phân phối đại lý. Và nhiều công ty kết hợp sử dụng một vài trong số các cách thức bán hàng trên.
Trong mỗi trường hợp, bạn phải có được lựa chọn thích hợp về cách thức phân phối thích hợp nhất cho các khách hàng để nhận những thông tin mua sắm thiết yếu về sản phẩm hay dịch vụ cần thiết cho những quyết định mua sắm. Kênh phân phối của bạn là gì? Bạn cần thay đổi những gì? Nơi nào khác bạn có thể giới thiệu các sản phẩm hay dịch vụ của mình?
5) Packaging – Đóng gói
Chữ P thứ năm trong Công thức Marketing 7P đó là Packaging – Đóng gói. Hãy phát triển thói quen đứng đằng sau và nhìn vào từng yếu tố hình ảnh trong bao bì đóng gói sản phẩm hay dịch vụ của bạn thông qua con mắt của những khách hàng tiềm năng quan trọng. Bạn cần nhớ rằng mọi người định hình nên ấn tượng đầu tiên của họ về bạn trong vòng 30 giây đầu tiên khi nhìn thấy bạn hay thấy một vài yếu tố nào đó của doanh nghiệp. Những cải thiện nhỏ trong đóng gói hay bao bì bên ngoài sản phẩm hay dịch vụ có thể dẫn tới những phản ứng hoàn toàn khác biệt từ các khách hàng.
Đối với đóng gói và bao bì sản phẩm hay dịch vụ, bạn nên suy nghĩ tới tất cả các yếu tố mà các khách hàng nhìn thấy đầu tiên trong các giao tiếp với công ty bạn theo tất cả các cách thức khác nhau thông qua quy trình mua sắm.
Đóng gói liên quan tới hình thức bên ngoài của sản phẩm hay dịch vụ của bạn Ngoài ra, đóng gói liên quan tới các nhân viên của bạn và cách thức họ ăn mặc. Nó cũng liên quan tới văn phòng làm việc của bạn, tới phòng đợi của doanh nghiệp bạn, tới các tài liệu Marketing và tới từng giao tiếp hình ảnh về công ty bạn. Tất cả mọi thứ cần được đưa vào. Tất cả mọi thứ sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực. Và tất cả mọi thứ tác động tới sự tin tưởng của các khách hàng trong giao dịch với bạn.
Khi IBM bắt đầu kinh doanh dưới sự dẫn dắt của Thomas J. Watson, ông đã thấy rằng 99% hình ảnh về công ty mà một khách hàng thấy được là thông qua các nhân viên bán hàng của IBM. Do IBM bán những sản phẩm công nghệ cao, Watson biết các khách hàng sẽ phải có một độ tin cậy lớn khi tiếp xúc với các nhân viên bán hàng. Vì thế, ông xây dựng các chính sách ăn mặc và giao tiếp mà sau này trở thành các quy định không thể thay đổi tại IBM.
Kết quả là từng nhân viên bán hàng được yêu cầu phải trông như những chuyên gia ở mọi khía cạnh. Từng yếu tố trong quần áo của họ (bao gồm bộ vest đen, cà vạt đen, áo sơ mi trắng, tóc chải ngay ngắn, giầy đánh bóng, móng tay sạch sẽ) và nhiều đặc điểm khác đã tạo dựng một hình ảnh về tính chuyên nghiệp và có năng lực. Một trong những lời tán thưởng cao nhất mà một người có thể nhận được đó là: “Bạn trông như ai đó ở IBM”.
6) Positioning – Định vị
Chữ P tiếp theo đó Positioning – Định vị. Bạn nên phát triển thói quen suy nghĩ về cách thức bạn được định vị trong trái tim và tâm trí các khách hàng của bạn. Mọi người suy nghĩ và nói về bạn như thế nào khi bạn không có mặt? Mọi người suy nghĩ và nói về công ty bạn như thế nào? Sự định vị nào bạn có trong thị trường của bạn, về các từ ngữ cụ thể mọi người sử dụng khi họ miêu tả về bạn và về những chào hàng của bạn tới họ?
Hai tác giả Al Reis và Jack Trout trong cuốn sách nổi tiếng của mình là Positioning – Định vị đã chỉ ra rằng những suy nghĩ và nhìn nhận của các khách hàng về bạn là nhân tố quyết định thành công trong một thị trường cạnh tranh.
Học thuyết Đặc tính nói rằng hầu hết các khách hàng nhìn nhận về bạn theo một cách thức đơn lẻ khác nhau, tích cực hay tiêu cực. Đôi lúc đó là “dịch vụ”. Đôi lúc đó là “xuất sắc”. Đôi lúc đó là “máy móc chất lượng” như đối với Mercedes Benz. Đôi lúc đó là “động cơ lái tột bực” như đối với BMW.
Trong mọi trường hợp, mức độ những đặc tính này được in đậm và sâu trong tâm trí các khách hàng sẽ quyết định khả năng họ mua sắm sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đồng thời quyết định họ sẽ mua bao nhiêu.
Hãy phát triển thói quen suy nghĩ về cách thức bạn có thể cải thiện mức độ định vụ của mình. Hãy bắt đầu bằng việc xác định vị thế mà bạn thích có. Nếu bạn có thể tạo dựng được ấn tượng thích hợp trong trái tim và tâm trí các khách hàng, nó sẽ là gì? Bạn sẽ cần phải làm những gì trong từng giao tiếp với các khách hàng để các khách hàng suy nghĩ và nói về bạn đúng với cách thức bạn muốn? Những thay đổi nào bạn sẽ cần tới trong lối giao tiếp với khách hàng ngày nay để được nhìn nhận là sự lựa chọn mua sắm tốt nhất?
7) People – Con người
Chữ P cuối cùng đó là People – Con người. Bạn hãy phát triển thói quen suy nghĩ về những con người bên trong và bên ngoài của bạn vốn chịu trách nhiệm cho từng yếu tố trong các chiến lược và hoạt động Marketing hay bán hàng.
Thật ngạc nhiên khi rất nhiều chủ doanh nghiệp hay các doanh nhân dành quá nhiều thời gian nghĩ về từng yếu tố của các chiến lược Marketing mà có ít sự quan tâm tới thực tế rằng mỗi một quyết định và chính sách được hiện bởi những con người cụ thể theo những cách thức cụ thể. Khả năng lựa chọn, tuyển dụng và giữ chân những con người thích hợp với những năng lực và kỹ năng tốt để hoàn thành công việc được giao phó là rất quan trọng.
Trong cuốn sách best-selling của mình, Good to Great – Từ tốt tới vĩ đại, tác giả Jim Collins khám phá ra rằng yếu tố quan trọng nhất được áp dụng bởi các công ty tốt nhất đó là họ luôn đưa được những con người tốt nhất lên xe và đưa những con người kém cỏi ra khỏi xe. Một khi các công ty này tuyển dụng được những nhân viên thích hợp, bước thứ hai đó là đặt những con người thích hợp đó vào những chiếc ghế thích hợp trên xe.
Để thành công trong kinh doanh, bạn phải phát triển được thói quen suy nghĩ về chính xác những ai sẽ thực hiện từng nhiệm vụ và trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ chưa thể tiến lên cho đến khi bạn có thể thu hút và đặt những con người thích hợp vào những vị trí thích hợp. Không ít các kế hoạch kinh doanh tốt nhất được xây dựng song rồi bị bỏ vào ngăn bàn chỉ vì người xây dựng ra chúng không thể tìm kiếm những con người có khả năng thực thi thành công kế hoạch.
Lưu ý:
Thông thường 4P cơ bản sẽ vẫn là Product, Price, Place và Promotion. Tùy vào ngành nghề cũng như chiến lược Marketing của từng công ty mà ta sẽ phát triển các P khác nhau, có thể là People (Con người), Packaging (Đóng gói), Positioning (Định vị), Policy (Chính sách), Progress (Quá trình), Physical Evidence (cơ sở vật chất),PR (Quan hệ công chúng)…hoặc có khi sử dụng Philosophy (Triết lý kinh doanh). Tuỳ từng trường hợp cụ thể để có cách tiếp cận hợp lý hơn.
0

VÌ SAO BÚT CHÌ CÓ TẨY (GÔM) !?

Có người hỏi: vì sao bút chì có tẩy? Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi sao: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình: phải chăng trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình? Để xóa đi những sai lầm của người khác và của chính bản thân ta! Có lúc chúng ta keo kiệt, không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc những dòng gạch và xóa!
Bất cứ ai cũng có lúc gặp sai lầm, bất cứ ai cũng gây ra những lỗi lầm khắc sâu trong lòng người khác! Có người ghi nhớ để rồi mãi mãi khắc khoải vì vết thương đó! Có người để nó bị thời gian xóa đi, trống trơn phẳng lặng để viết lên những bài viết cuộc đời đặc sắc hơn, ý nghĩa hơn!
Người ta nói rằng cuộc đời là một trang giấy trắng, và chính chúng ta sẽ quyết định viết nó như thế nào! Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì! Bởi vì sao bạn nhỉ? Vì bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nghuệch ngoạc, sai từ này từ khác! Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để tẩy đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình! Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách hoàn chỉnh! Có lúc chúng ta vì vội vã mà đi sai phương hướng dẫn đến những hậu quả khôn lường, có lúc vì chủ quan mà mắc sai lầm không thể sửa chữa! Làm thế nào đây? Ngồi trách móc bản thân và hứng chịu những lời trách móc của người khác? Như vậy có giải quyết được gì không?
Lúc ấy chúng ta cần biết tẩy đi những sai lầm mắc phải và làm lại từ đầu với những bước đi thận trọng hơn! Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lầm vấp ngã hay mắc sai lầm!
Mỗi em bé trước khi biết đi cũng trải qua quá trình chập chững với không ít lần vấp ngã! Đừng tự trách bản thân mình quá nhiều bạn ạ! Cũng như đừng trách móc những người khác khiến họ cảm thấy mình kém cỏi mà mất hết niềm tin vào chính bản thân họ! Hãy biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống để đối mặt với sai lầm và thất bại một cách nhẹ nhàng hơn! Bạn biết đấy, cục tẩy sinh ra để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác thì chúng ta cũng hãy dùng cục tẩy của mình – sự bao dung và thứ tha để tẩy đi những sai lầm của mình và người khác mắc phải!
Đừng quá khắt khe với người khác, cũng đừng chỉ nhìn vào những sai lầm của họ mà đánh giá con người họ! Bất kỳ ai cũng có lúc mắc phải sai lầm quan trọng là họ biết mình sai để sửa, còn chúng ta đừng chỉ biết nhìn vào những sai lầm đó mà hãy nghĩ đến những gì họ đã cố gắng, đã nỗ lực để làm tốt công việc của mình!
Có câu chuyện về chiếc bánh bị cháy, bạn đã nghe bao giờ chưa nhỉ? Một người phụ nữ phải làm việc 8h/ngày lại còn chăm sóc gia đình và làm hết mọi công việc của một người nội trợ! Một ngày nọ cô mệt nhoài với hàng tá công việc ở cơ quan khiến cô có cảm giác như kiệt sức! Về nhà cô còn phải dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho chồng và con của cô! Khi người chồng đón con từ trường về, cũng là lúc cô nướng xong mẻ bánh quy trong lò! Thế nhưng vì quá mệt nên cô đã để quên nó một lúc khiến cho một vài chiếc bị cháy!
Lúc ăn tối, đứa con quan sát xem có ai nói gì về những chiếc bánh cháy đó không nhưng chẳng có ai lên tiếng cả! Khi dọn bát đĩa, người vợ ngỏ ý xin lỗi về những chiếc bánh cháy nhưng người chồng dịu dàng nói: có gì mà em phải xin lỗi chứ, hơn nữa mùi vị những chiếc bánh ấy rất ngon! Người vợ mỉm cười hạnh phúc!
Khi đưa con đi ngủ, nó thì thầm hỏi bố nó: có thật bố thích ăn bánh quy cháy không? Không con ạ, anh ta nói với con! Nhưng hôm nay mẹ con rất mệt mà vẫn phải chuẩn bị bữa ăn cho bố con chúng ta! Không nên làm mẹ buồn mà một vài chiếc bánh cháy có ảnh hưởng đến ai đâu chứ!
Thế đấy, có bao nhiêu người không để ý đến một vài chiếc bánh cháy trên đĩa bánh? Không nhiều lắm phải không bạn! Cũng như vết mực đen trên tờ giấy trắng!
Có lúc chúng ta chỉ biết nhìn vào những sai lầm, khuyết điểm của người khác để rồi lên tiếng chỉ trích mà quên rằng họ đã cố gắng rất nhiều!
Hãy sống bao dung hơn bạn nhé, để cục tẩy của bạn mòn dần theo năm tháng, đừng bao giờ để cục tẩy của bạn mãi mãi như mới xuất xưởng! Bởi vì nếu không sử dụng đến nó cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm! Một tờ giấy như vậy có đẹp đẽ gì không bạn? Hãy để nó là một tờ giấy được viết nên bởi những trải nghiệm, những thử thách, quyết tâm và cả sự tha thứ và bao dung nữa, bạn nhé!


Lịch vạn niên

Đồng hồ

Số lượng người truy cập

Nhận xét

Số lượng người truy cập: