Khi con mới đi học, mỗi tối, bạn nên dành thời gian nhất
định giúp con học bài, tạo cho trẻ thói quen đến giờ là ngồi vào bàn học. Thời
gian học của trẻ chỉ cần 1 - 1,5 tiếng là đủ và nên để bé đi ngủ trước 10 giờ.
Thời gian con mới vào lớp 1, cha mẹ cần chú ý rèn kỹ năng
học tập, đặc biệt là tư thế ngồi học của trẻ. Việc này cần thật kiên nhẫn.
Người lớn phải nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần trẻ mới thành thói quen được.
Bởi vì hầu hết trẻ khi viết đều co rúm người lại, người cong vẹo sang một bên,
ghì bút thái quá và áp sát mặt xuống khi viết. Chỉ cần cha mẹ hoặc cô giáo lơ
đi một chút là trẻ thành thói quen không tốt, sau không sửa được. Thói quen này
ảnh hưởng rất xấu tới thị lực và cột sống của trẻ.
Điều quan trọng trong việc rèn viết ban đầu cho trẻ không
phải là vở sạch chữ đẹp mà là kỹ năng cầm bút, thả lỏng cổ tay, không căng cứng
toàn thân, ngồi viết đúng tư thế, để sách thẳng, đầu ngẩng cao.
Mỗi buổi tối, cha mẹ yêu cầu trẻ tự chuẩn bị đủ đồ dùng học
tập, sách vở theo thời khoá biểu cho ngày hôm sau. Tập cho bé thói quen giờ nào
việc nấy, tuân thủ các yêu cầu giờ học, tập trung chú ý lắng nghe cô dặn dò sau
mỗi buổi học và về thông báo ngay cho bố mẹ. Bạn cũng giúp bé xếp lịch cụ thể
những việc cần làm mỗi buổi tối… và nhớ đừng làm hộ mà để con tự làm thì bé sẽ
có ý thức tốt hơn
Trong thời gian con học, bạn nên xen kẽ các hoạt động vui
chơi, có tính chất nghỉ ngơi, thư giãn. Để tạo hứng thú cho trẻ, cha mẹ có thể
cùng chơi với con những trò chơi học tập, giúp trẻ làm quen với con số, chữ
viết, nhận biết các ký hiệu toán học.
Giúp con học toán
Bạn không nên dạy trẻ học vẹt như kiểu biết đếm từ 1 đến 10
mà giúp bé hiểu bản chất của số, hiểu các biểu tượng, các ký hiệu toán học.
Ví dụ, để giúp con hiểu số 7 cấu tạo từ những tập hợp bao
nhiêu, cha mẹ có thể đưa ra các hình ảnh cụ thể như từ 3 quả bưởi 4 quả táo,
hoặc từ 5 con chim 2 con vịt... Bố mẹ hãy biến các hoạt động này thành trò
chơi, thi đố… để tăng hứng thú, làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng, giàu tương
tác, tăng hiệu quả.
Khuyến khích bé học
đọc
Để giúp con nắm quy tắc ghép vần, học đọc, cha mẹ đố trẻ
những câu đố về cách ghép vần: ghép vần ay(a-y-ay), ghép các âm đầu khác nhau
với một vần và thanh điệu hoặc một âm đầu với các vần khác nhau để tạo từ khác
nhau (ví dụ: t-ay-tay; b-ay-bay; ch-ay-chay-sắc-cháy... t-ay-tay; t-ai-tai;… ).
Tương tự, lắp ráp các chữ cái thành nhiều nhất các từ và một nhóm từ thành
nhiều nhất các câu.
Cũng vậy, bạn có thể dạy trẻ chơi trò ai Thông minh hơn.
Cách chơi: “Bẻ vỡ” những từ khác nhau (có số chữ cái tương đương nhau) ra thành
những chữ cái độc lập, rồi từ những chữ cái đó lắp thành nhiều nhất những tên
con vật, tên của đồ vật trong nhà, tên của những người bạn trong lớp...
Ngoài ra, cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thật tốt trong
giai đoạn này là cùng con sưu tầm câu truyện cổ tích, mẩu chuyện vui giàu cảm
xúc, triết lý giáo dục, tập kể chuyện tự do, vận dụng những từ vừa học… kể
thành câu chuyện. Trẻ sẽ nhanh chóng làm chủ khả năng đọc trong khoảng thời
gian từ 10 đến 12 tuần nếu giáo viên và bố mẹ biết phương pháp dạy học kích
hoạt tất cả các giác quan và làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng, thích thú.
Để tập viết không còn
là gánh nặng với con
Theo các công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý trẻ em,
phần tập viết (viết đúng chữ mẫu trên dòng kẻ ô ly) với trẻ em đầu lớp 1 luôn
là nhiệm vụ khó khăn nhất, dễ nhàm chán, dễ quá tải nhất. Lý lo là khả năng tâm
vận động của của nhiều trẻ chưa thật chín muồi. Do vậy quá trình tập viết,
luyện viết chữ cần được thiết kế giảm nhẹ tối đa bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ
này, xen kẽ nó với các hoạt động khác, không nên kéo dài hay giao bài tập viết
chữ về nhà cho bé ở kỳ đầu lớp 1.
Có thể xen kẽ bằng những chuyện kể hài hước dí dỏm (giáo
viên/phụ huynh khuyến khích học sinh thay nhau kể…, những tiếng cười xua đi sự
nhàm chán, giúp bé nhận ra những khả năng của mình và quan trọng là giúp bé tự
tin hơn). Cũng vậy những câu chuyện đọc thêm gây hứng thú, những trò chơi ứng
xử rèn kỹ năng sống hoặc những câu đố về số, về ghép chữ... để kích thích sự
phát triển tư duy.
Cha mẹ cũng không nên chỉ nhăm nhăm gò con học toán, học chữ
mà nên khuyến khích con tham gia các hoạt động khác như âm nhạc, vẽ, kể chuyện,
đàn, múa, võ... hoặc tham gia vào những câu lạc bộ tiếng Anh nếu có thể.
Tuy nhiên, phụ huynh phải lưu ý nguyên tắc: bất cứ một hoạt
động gì mà bạn muốn cho con tham gia thì nên hỏi ý kiến xem con có thích thú
không và phải kiểm tra xem các hoạt động đó có quá tải với trẻ không. Nếu trẻ
thích thú và thực sự đam mê thì nên cho đi học. Nếu trẻ về nhà với vẻ mệt mỏi
và lo sợ chuyện làm bài tập thì đó là quá tải.
Tiến sĩ
Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trẻ em trường Mầm non Hoàng gia, 343 Đội
Cấn, 37 Tạ Quang Bửu, Tel: 04 762 4877
0 nhận xét:
Đăng nhận xét