Pages

0

Một thế giới không phải của người lớn


Chồng tôi sắp đưa một đoàn tạp kĩ đi lưu diễn ở tỉnh. Đang là kì nghỉ hè nên chúng tôi quyết định dắt hai đứa con bé bỏng đi theo: bé Su lên 8 và bé Mi lên 3. Đêm trước ngày trở về sau một tuần lưu diễn, chồng tôi hỏi bé Mi: ” Con thích được về nhà hay thích đi du lịch?”. Không lưỡng lự, bé trả lời ngay: “Đương nhiên là được trở về nhà rồi bố ạ!”
- Vậy lần sau đi bố mẹ không dắt con theo nữa.
- Nhưng bố ơi nếu không có bố dắt con đi làm sao con về được nhà?”
Cuộc sống cũng thế, không có rạn vỡ sẽ không có hàn gắn, những ai chưa từng xa nhà sẽ không cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được quay về tổ ấm.
Hai ngày trước đây, bé Mi bị ngã nhưng không hề khóc lóc. Bây giờ nó rất đau vì cánh tay trái không nhấc lên được. Không nghĩ mọi chuyện lại trầm trọng đến như vậy nên tôi rất khổ tâm và cảm thấy mình có một phần trách nhiệm. Song bé Mi đã làm tôi ngạc nhiên bởi khám phá của nó: “Mẹ ơi, bây giờ con đã biết bên trái là bên nào rồi!”
Trước khi ngã, bé không phân biệt được bên trái, bên phải. Còn bây giờ, mọi chuyện hết sức đơn giản – bên bị đau là bên trái.
Có một lần bé Mi lặng lẽ chơi dưới chân tôi khi tôi làm việc. Thình lình bé áp đầu vào chân tôi rồi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, con yêu bàn chân mẹ!”
- Con nói sao? – tôi ngạc nhiên hỏi.
- Con yêu bàn chân mẹ!” – bé lặp lại.
Tôi ngừng làm việc và cảm thấy thật xúc động. Ngày trẻ tôi đã từng được yêu bởi đôi má hồng, được khen bởi giọng nói đầm ấm, truyền cảm và được ngưỡng mộ bởi những truyện ngắn tôi viết. Nhưng có ai yêu tôi hơn đứa con bé bỏng đang âu yếm ôm lấy bàn chân tôi? Bé yêu bàn chân tôi đơn giản chỉ vì đó là một phần của bản thân tôi, phần mà chẳng ai, ngay cả tôi để ý đến.
Bé Mi chưa đi học lớp 1 nhưng rất thích viết, dù nó thực ra luôn vấy mực tèm lem trên giấy. Một ngày nọ, cô em tôi đến chơi và thấy bé Mi đang tập viết:
- Ái chà! Viết cũng đẹp đấy chứ! Nhưng cố thêm một chút nữa thì cháu sẽ giỏi hơn các bạn trong lớp đó.
Tôi ậm ừ, biết là bé Mi sẽ không thích như vậy. Quả thật, bé gào lên hết sức bực bội:
- Con chẳng thèm hơn mấy bạn đâu.
- Vậy cháu luyện viết để làm gì?
- Chỉ vì cháu thích viết thôi. Cháu không cần biết cháu có hơn ai hay không?
Người ta cần có tham vọng để thúc đẩy mình thành công, nhưng người ta cần có một trái tim vị tha không đạp lên người khác để đi tới.
Khi chúng tôi chuẩn bị đi nghỉ mát , bé Mi ra sức nhồi nhét tất cả búp bê nhỏ, cũ mới của nó vào túi du lịch.
- Không thể mang hết đâu con ạ – tôi nói với nó – con chỉ nên chọn con nào thích nhất để mang theo thôi.
Bé xem xét kĩ càng từng con từng con một. Những con chúng tôi mua cho nó thì rất đẹp và đắt tiền, còn những con của bé tặng sau khi chúng nó đã chơi chán thì hết sức cũ nát và bẩn thỉu. Một lúc sau, bé tuyên bố:
- Con nào con cũng thích hết!
- Con không thể thích hết được – tôi cương quyết – Hãy chọn con nào con thích nhất đi!
- Con thích hết mà – giọng nói khăng khăng của bé cho tôi biết là không thể làm thêm gì nữa hết. Bé thích tất cả những con búp bê đang có và…Chấm hết!
Việc phân biệt xấu đẹp, đắt rẻ chỉ tồn tại trong thế giới của người lớn. Còn với trẻ em, giá trị và vẻ bên ngoài của một vật chẳng là gì cả so với vị trí của chính món đồ đó trong lòng chúng.
Tuần trước là một chuỗi ngày mưa lạnh, tôi về ăn trưa trễ. Mọi người trong nhà đã ăn xong, bé Mi quấn lấy tôi và đòi một miếng thịt hầm. Khi tôi đút cho bé một miếng , bé hồ hởi la lên: “Mẹ ơi, đôi đũa của mẹ ấm quá”. Ngơ ngẩn một lúc, tôi mới hiểu bé nói gì. Trời lạnh nên tôi phải hâm lại thức ăn và khi dùng đũa gắp chúng ra đĩa, tôi đã làm đôi đũa của mình ấm dần lên.
Người ta thường xuýt xoa khen những bàn tiệc ngồn ngộn thức ăn và rượu ngon. Chỉ có đưa con gái ba tuổi của tôi là cảm thấy thích thú vì chút hơi ấm toát ra từ đôi đũa của mẹ trong một ngày giá lạnh. Trong đời mình, chúng ta đã bao lần bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những cảm giác bình dị nhưng hết sức tuyệt vời đó?
(sưu tầm)

0

Năm Thói Quen Làm Việc Hiệu Quả

Năm Thói Quen Làm Việc Hiệu Quả from Alan Phan
1. Write down your to-do things (daily, weekly, monthly, yearly)
2. Think, talk and do slowly.
3. Don’t fear when you decided to do something
4. Keep promise
5. Keep believing in yourselves.
These above advices might be/ might not be useful for you, but for me, I am pretty interested in the second advice as I can find myself from that. Sometimes “fastfood” is not always “goodfood”.
1.      Viết ra điều phải làm
Mỗi sáng, việc đầu tiên sau khi tập thể dục là tôi tìm một chỗ vắng, với cuốn sổ và ly cà phê, viết ra 10 điều tôi dự định sẽ làm trong ngày (Things To Do). Bắt đầu bằng những việc quan trọng trước và những việc đã ghi nhớ trong các ngày qua mà chưa hoàn tất. Tất cả chỉ mất 15 phút.
Mỗi thứ hai đầu tuần, tôi kiểm lại hiệu quả những việc đã làm và chưa làm trong tuần. Mỗi ngày đầu tháng và mỗi ngày đầu năm, tôi cũng tiến hành quy trình tương tự. Thời này, tôi nghe người ta nói đây là việc “tự phê và tự tha thứ”.
15 phút mỗi ngày và 15 phút mỗi tuần, cộng với 30 phút mỗi tháng và 2 giờ mỗi năm khiến tôi mất cả thảy 111 giờ hay 5 ngày. Tuy nhiên, tôi đã tiết kiệm không biết là bao nhiêu thì giờ khỏi chạy lanh quanh vì lạc hướng, vì quên, hay vì bị những thứ lăng nhăng khác quấy nhiễu.
2.      Suy nghĩ, nói và làm chậm chạp
Hồi trẻ tôi có thói quen phản ứng rất nhanh, từ lời nói đến việc làm, đôi khi không kịp suy nghĩ. Do đó, tôi phạm nhiều lỗi lầm ngu xuẩn, nhất là khi đối phó với những cáo già của trường đời. Tôi đã lầm tưởng khi cho rằng sự nhanh nhẩu của tôi minh chứng một kỹ năng siêu đẳng và làm người đối diện thán phục. Đôi khi, tôi hứa hẹn quá khả năng thực hiện; nhiều lần, tôi quên mục đích tối hậu của mình trong phi vụ. Dĩ nhiên, nếu đề nghị đến từ một chân dài hấp dẫn, câu hỏi đầu tiên là tôi ký ở chỗ nào?
Lúc này, tôi không bao giờ trả lời một đề nghị làm ăn gì trước 10 ngày. Tôi muốn tôi và nhân viên suy nghĩ thật kỹ và khảo cứu (research) thấu đáo về nhiều góc cạnh. Khi trả lời, tôi có nhiều lối thoát (escape clauses) để phòng vệ khi phi vụ không đi theo mong muốn. Sau cùng, tôi cố ý thi hành chậm chạp mọi điều khoản để nhận rõ những lỗ hổng và để có thì giờ điều chỉnh.
Nhiều bạn làm ăn thường tiếp thị là dự án hay công ty này thuộc loại “cơ hội ngàn năm một thuở”. Tôi thấy các cơ hội ngàn năm này gõ cửa mỗi ngày khắp nơi.
3.      Đã làm thì đừng sợ
Khi đã quyết định bắt tay làm, chăm chú vào việc hoàn tất phi vụ. Luôn luôn thực tế nhận định là thách thức và khó khăn sẽ đến từng giờ từng ngày. Đây không phải là lúc than thân trách phận hay tìm cách đổ lỗi cho người khác. Mình hoàn toàn chịu trách nhiệm phần vụ của mình và sẵn sàng trả giá cho mọi sai lầm thất thoát. Nhìn thẳng vào mục tiêu và không sợ sệt trước bất cứ áp lực gì. Mở rộng trí óc để đón nhận đề nghị và phê bình, nhưng không bao giờ “nhận rác” từ kẻ đối nghịch hay ganh tị.
Bình tâm với kết quả hàng ngày. Sáng tạo cùng đội ngũ để tìm giải pháp, không phải để “bới lông tìm vết”. Say sưa với những khám phá mới, học hỏi mới và quan hệ mới. Vui vẻ và lạc quan trong mọi hoàn cảnh, dù rằng thực tại có khó khăn đến đâu. Nhưng cũng đừng bay cao quá mà hoang tưởng vô lối. Thua keo này, bày keo khác. Tiếp tục đi.
Dù trong lòng có sợ cũng phải tự bảo lòng là “can đảm”. Tự kỷ ám thị là một phương thuốc hữu hiệu cho tầm nhìn tích cực. Hollywood có câu,” đừng bao giờ để bọn chúng thấy mình đang đổ mồ hôi lạnh”. Phải lì lợm thôi.
4.      Giữ lời hứa
Trong bậc thang giá trị về đạo đức kinh doanh, giữ lời hứa là định chuẩn cao nhất. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, lời hứa là một “bản vị” quan trọng hơn tiền bạc nên tôi tiêu xài rất dè sẻn. Khi tôi lập một cuộc hẹn với bất cứ ai, dù với một nhân công, tôi cố gắng đến đúng giờ. Nếu một sự cố gì ngăn chận, tôi luôn điện thoại trước 10 phút để thông báo và xin lỗi.
Với những chuyện lớn hơn, trong các dự án làm ăn với đối tác, tôi luôn nói rõ những điều tôi không có khả năng thực hiện, trước khi “gáy” về năng lực của mình. Minh bạch giúp rất nhiều trong việc giữ lời hứa vì đối tác của tôi không bao giờ có những “mong đợi” ngoài tầm tay.
Quan trọng nhất là chuyện tiền bạc. Hai mươi năm qua, tôi không vay mượn một đồng nào, kể cả tiền ứng trước của các thẻ tín dụng. Việc kiếm tiền để trả lãi suất đúng hẹn là một kinh doanh thực sự gay go, nhất là trong những cuộc khủng hoảng kinh tế. Do đó, dù phải trả giá cao khi bán cổ phiếu thay vì trái phiếu, tôi vẫn hoan hỉ chấp nhận vì không muốn làm mất lời hứa của mình. Đặt OPM (tiền người khác) ở vị trí ưu tiên hơn tiền của mình là cách hay nhất để người ngoài tiếp tục tin cậy và làm ăn với mình.
5.      Giữ niềm tin
Ông Khổng Tử nói “vi nhân nan” (làm người khó). Ông Alan nói, làm việc kiếm tiền còn khó hơn. Dĩ nhiên, các ông quan nói, kiếm tiền dễ ẹt. Nhưng ngay cả các quan, cũng thường xuyên đối diện với khó khăn và tuyệt vọng. Đây là những lúc “niềm tin” đem lại cân bằng cho tình thế và tiếp tục giữ lửa cho hành trình.
Tôi luôn cho rằng tài sản mềm quý giá nhất của xã hội, của quốc gia, của công ty, của cá nhân là niềm tin. Ngoài sự đam mê để tìm cái vui thú vị cho mọi việc lớn nhỏ, chúng ta cần niềm tin vào sự thành công sau cùng của dự án, của lý tưởng hay của định mệnh. Hãy nhớ là thua cuộc chỉ là tình trạng tạm thời, bỏ cuộc biến nó thành thất bại. Còn niềm tin thì chưa bỏ cuộc.
Quan trọng như vậy, nên niềm tin không thể được tạo dựng hời hợt mà phải trải qua mọi thử thách, thí nghiệm, khảo sát và sàng lọc. Không phải thầy cô cha mẹ nhồi vào đầu óc từ bé, xã hội bạn bè chung quanh lập đi lập lại mà “niềm tin” thành một giáo điều bất di dịch, luôn hợp thời hợp cảnh hợp tình. “Không ngừng đặt câu hỏi” là nhắc nhở gối đầu giường của tôi, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Khi người bán hàng nhanh nhẩu “tin tôi đi hay tin đồng chí đó đi”, tôi thấy nhiều lý do để chạy và không nhìn lại.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
0

Giúp bé lớp 1 rèn kỹ năng và ham học

Khi con mới đi học, mỗi tối, bạn nên dành thời gian nhất định giúp con học bài, tạo cho trẻ thói quen đến giờ là ngồi vào bàn học. Thời gian học của trẻ chỉ cần 1 - 1,5 tiếng là đủ và nên để bé đi ngủ trước 10 giờ.

Thời gian con mới vào lớp 1, cha mẹ cần chú ý rèn kỹ năng học tập, đặc biệt là tư thế ngồi học của trẻ. Việc này cần thật kiên nhẫn. Người lớn phải nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần trẻ mới thành thói quen được. Bởi vì hầu hết trẻ khi viết đều co rúm người lại, người cong vẹo sang một bên, ghì bút thái quá và áp sát mặt xuống khi viết. Chỉ cần cha mẹ hoặc cô giáo lơ đi một chút là trẻ thành thói quen không tốt, sau không sửa được. Thói quen này ảnh hưởng rất xấu tới thị lực và cột sống của trẻ.
Điều quan trọng trong việc rèn viết ban đầu cho trẻ không phải là vở sạch chữ đẹp mà là kỹ năng cầm bút, thả lỏng cổ tay, không căng cứng toàn thân, ngồi viết đúng tư thế, để sách thẳng, đầu ngẩng cao.
Mỗi buổi tối, cha mẹ yêu cầu trẻ tự chuẩn bị đủ đồ dùng học tập, sách vở theo thời khoá biểu cho ngày hôm sau. Tập cho bé thói quen giờ nào việc nấy, tuân thủ các yêu cầu giờ học, tập trung chú ý lắng nghe cô dặn dò sau mỗi buổi học và về thông báo ngay cho bố mẹ. Bạn cũng giúp bé xếp lịch cụ thể những việc cần làm mỗi buổi tối… và nhớ đừng làm hộ mà để con tự làm thì bé sẽ có ý thức tốt hơn
Trong thời gian con học, bạn nên xen kẽ các hoạt động vui chơi, có tính chất nghỉ ngơi, thư giãn. Để tạo hứng thú cho trẻ, cha mẹ có thể cùng chơi với con những trò chơi học tập, giúp trẻ làm quen với con số, chữ viết, nhận biết các ký hiệu toán học.
Giúp con học toán
Bạn không nên dạy trẻ học vẹt như kiểu biết đếm từ 1 đến 10 mà giúp bé hiểu bản chất của số, hiểu các biểu tượng, các ký hiệu toán học.
Ví dụ, để giúp con hiểu số 7 cấu tạo từ những tập hợp bao nhiêu, cha mẹ có thể đưa ra các hình ảnh cụ thể như từ 3 quả bưởi 4 quả táo, hoặc từ 5 con chim 2 con vịt... Bố mẹ hãy biến các hoạt động này thành trò chơi, thi đố… để tăng hứng thú, làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng, giàu tương tác, tăng hiệu quả.
Khuyến khích bé học đọc
Để giúp con nắm quy tắc ghép vần, học đọc, cha mẹ đố trẻ những câu đố về cách ghép vần: ghép vần ay(a-y-ay), ghép các âm đầu khác nhau với một vần và thanh điệu hoặc một âm đầu với các vần khác nhau để tạo từ khác nhau (ví dụ: t-ay-tay; b-ay-bay; ch-ay-chay-sắc-cháy... t-ay-tay; t-ai-tai;… ). Tương tự, lắp ráp các chữ cái thành nhiều nhất các từ và một nhóm từ thành nhiều nhất các câu.
Cũng vậy, bạn có thể dạy trẻ chơi trò ai Thông minh hơn. Cách chơi: “Bẻ vỡ” những từ khác nhau (có số chữ cái tương đương nhau) ra thành những chữ cái độc lập, rồi từ những chữ cái đó lắp thành nhiều nhất những tên con vật, tên của đồ vật trong nhà, tên của những người bạn trong lớp...
Ngoài ra, cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thật tốt trong giai đoạn này là cùng con sưu tầm câu truyện cổ tích, mẩu chuyện vui giàu cảm xúc, triết lý giáo dục, tập kể chuyện tự do, vận dụng những từ vừa học… kể thành câu chuyện. Trẻ sẽ nhanh chóng làm chủ khả năng đọc trong khoảng thời gian từ 10 đến 12 tuần nếu giáo viên và bố mẹ biết phương pháp dạy học kích hoạt tất cả các giác quan và làm cho việc học trở nên nhẹ nhàng, thích thú.
Để tập viết không còn là gánh nặng với con
Theo các công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý trẻ em, phần tập viết (viết đúng chữ mẫu trên dòng kẻ ô ly) với trẻ em đầu lớp 1 luôn là nhiệm vụ khó khăn nhất, dễ nhàm chán, dễ quá tải nhất. Lý lo là khả năng tâm vận động của của nhiều trẻ chưa thật chín muồi. Do vậy quá trình tập viết, luyện viết chữ cần được thiết kế giảm nhẹ tối đa bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ này, xen kẽ nó với các hoạt động khác, không nên kéo dài hay giao bài tập viết chữ về nhà cho bé ở kỳ đầu lớp 1.
Có thể xen kẽ bằng những chuyện kể hài hước dí dỏm (giáo viên/phụ huynh khuyến khích học sinh thay nhau kể…, những tiếng cười xua đi sự nhàm chán, giúp bé nhận ra những khả năng của mình và quan trọng là giúp bé tự tin hơn). Cũng vậy những câu chuyện đọc thêm gây hứng thú, những trò chơi ứng xử rèn kỹ năng sống hoặc những câu đố về số, về ghép chữ... để kích thích sự phát triển tư duy.
Cha mẹ cũng không nên chỉ nhăm nhăm gò con học toán, học chữ mà nên khuyến khích con tham gia các hoạt động khác như âm nhạc, vẽ, kể chuyện, đàn, múa, võ... hoặc tham gia vào những câu lạc bộ tiếng Anh nếu có thể.
Tuy nhiên, phụ huynh phải lưu ý nguyên tắc: bất cứ một hoạt động gì mà bạn muốn cho con tham gia thì nên hỏi ý kiến xem con có thích thú không và phải kiểm tra xem các hoạt động đó có quá tải với trẻ không. Nếu trẻ thích thú và thực sự đam mê thì nên cho đi học. Nếu trẻ về nhà với vẻ mệt mỏi và lo sợ chuyện làm bài tập thì đó là quá tải.
Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trẻ em trường Mầm non Hoàng gia, 343 Đội Cấn, 37 Tạ Quang Bửu, Tel: 04 762 4877

0

Điều bé nên biết trước khi đi học


Được bao bọc, làm giúp mọi việc có thể là nguyên nhân khiến bé bối rối khi đi học và tiếp thu kém hơn các bạn. Hãy dạy con những điều tối thiểu sau, bởi đó là hành trang tốt cho bé hòa nhập với điều kiện mới ở trường.
1. Tự viết tên mình
Đọc và viết là 2 “nhiệm vụ” khó nhọc nhất khi bé đi học. Cách bắt đầu tốt nhất là dạy cho bé biết viết tên mình. Những chiếc bút chì nhiều màu sẽ thu hút và làm bé thích thú. Giờ bạn bắt đầu chỉ bé cách các chữ cái xếp thành tên, cho bé viết tên bằng tất cả các màu chì.
2. Biết bảng chữ cái
Có rất nhiều bài hát, và cả trò chơi nữa, có thể giúp bé học bảng chữ cái. Song công việc không chỉ dừng lại ở việc bé thuộc lòng bảng chữ cái đâu, bé còn phải nhận được mặt chữ nữa. Nhiều bé chưa phân biệt được “b” và “d”, song bố mẹ hãy kiên nhẫn.
3. Hát hoặc thuộc lòng bài hát
Học các bài hát đơn giản và giai điệu của chúng giúp bé phát triển các kỹ năng học hỏi. Đừng ngại hát cho con nghe, trái lại, hãy hát thường xuyên nhé. Có thể bắt đầu hát ngay khi bé còn trong bụng mẹ, vì thính giác là giác quan phát triển đầu tiên của bé.
4. Biết chia sẻ và chờ đến lượt
Bé biết cư xử tốt với mọi người càng sớm càng tốt. Vì thế bạn có thể bắt đầu rèn luyện cho bé bằng cách ngợi khen mỗi khi bé biết chia sẻ đồ chơi với những trẻ khác, như thế khi đi học, bé sẽ không đánh nhau với các bạn để giành đồ chơi.
5. Dùng… máy vi tính!
Đúng vậy đấy. Hãy cho bé làm quen với công nghệ, chỉ bé những kiến thức đơn giản như dùng chuột chẳng hạn.
6. Nhạy cảm với cảm xúc của người khác
Một đứa trẻ ích kỷ sẽ không được yêu lắm đâu, bởi thế bạn hãy dạy cho con biết phân biệt đúng, sai. Ngay từ tuổi nhỏ, bé nên được dạy rằng đánh một bạn nhỏ khác là việc làm rất xấu.
7. Tự ăn và tự mặc đồ
Bố mẹ cho bé ăn vì không muốn thức ăn rơi vãi, dây bẩn, bố mẹ mặc đồ cho bé vì như vậy sẽ nhanh hơn. Nhưng ở lớp, các cô giáo không thể quan tâm tới bé đến mức ấy, bé sẽ phải tự làm thôi. Bởi thế, tốt nhất bạn nên tập cho bé ở nhà.
8. Tham gia chơi với nhóm bạn
Nhiều bé rất nhút nhát, do đó, bạn hãy khơi dậy lòng tự tin ở bé, bằng cách cho bé tham gia các hoạt động, đi dự tiệc, bất cứ đâu có nhiều trẻ con!
9. Biết “sáng tác” truyện
Đó có thể là những câu chuyện chẳng có nghĩa gì cả, song sẽ giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp. Hãy nghe truyện của bé trên đường bạn đưa bé đi chơi, đi học, bạn sẽ ngạc nhiên rằng mình cũng thích “sáng tác” cùng bé đấy.
10. Tự hoàn thành công việc
Bé cần học tính tự lập, hãy để bé tự làm mọi việc trong khả năng của mình. Nếu bé đang “xây nhà” với đồ chơi Lego, đừng cố giúp bé hoàn thành “tác phẩm” hoặc gợi ý gì cho bé. Vì nếu cần bạn giúp đỡ, bé sẽ chạy đến bên.
11. Biết trò chuyện những chủ đề chung với cả nhà
Những khoảng thời gian gia đình quây quần rất quan trọng, hãy cùng ăn tối với con càng nhiều càng tốt. Rồi cả nhà có thể cùng xem một đĩa phim DVD và bàn luận về bộ phim sau đó. Nếu bạn quá bận vào những ngày thường, cuối tuần hãy tụ tập ăn uống và nhờ bé cùng chuẩn bị thức ăn.
12. Tập trung được lâu
Khi còn nhỏ, bé chưa tập trung vào việc gì lâu được, song nếu việc này kéo dài ngay cả khi bé đã lớn hơn, bé có thể sẽ gặp khó khăn khi đi học. Hãy cho bé làm những hoạt động bé thích, ví dụ vẽ tranh, bé sẽ học được cách tập trung vào công việc.
13. Biết đếm và trả lời các câu hỏi về số
Đặt 3 miếng khoai tây lên đĩa, cho bé ăn một miếng rồi hỏi bé “còn lại bao nhiêu miếng khoai tây?”. Hãy cố gắng tạo cơ hội cho bé đếm mọi lúc, mọi nơi, đếm cả những bước chân đi đến siêu thị hay những hàng cây ở dọc hai bên đường.
14. Biết phân biệt quá khứ - tương lai
Bạn có thể giúp con hiểu được khái niệm “quá khứ” và “tương lai” từ tuổi nhỏ. Hãy hỏi xem bé đã làm gì hôm qua và tuần tới bé trông đợi điều gì. Có thể hỏi bé đã ăn gì bữa trưa nay. Cũng nên làm lịch cho bé và giúp bé viết thư cho ông già Noel, để cầu xin những gì bé mong ước có được trong mùa Giáng Sinh tới.
15. Hỏi rất nhiều câu hỏi
Sẽ có một giai đoạn bé không ngừng hỏi những câu hỏi “tại sao”, bạn đừng phớt lờ bé nhé, hãy kiên nhẫn và thỏa mãn trí tò mò của bé. Và nếu bạn có thể hỏi lại con vài câu hỏi, điều đó sẽ kích thích bé nghĩ về thế giới xung quanh.
16. Biết phân biệt nhóm
Hỏi bé những câu hỏi về phân loại nhóm. Ví dụ: “Tại sao có vài cây trong số những cây này trút lá?”, “Loại động vật nào ăn thịt còn loại nào thì không?”. Bé sẽ học được về các nhóm, loại một cách tự nhiên đấy.
17. Biết chơi lắp hình
Chơi lắp ráp hình rất tốt cho kỹ năng logic. Nếu bé đã mệt, hãy cất “công trình dang dở” của bé vào hộp, bé sẽ làm tiếp vào một ngày khác.
18. Năng động
Nên đưa bé đi công viên, đến khu vui chơi thiếu nhi thật nhiều.
19. Biết về thức ăn tốt và không tốt cho sức khỏe
Hãy Nói cho con biết về những loại thức ăn có lợi và có hại cho sức khỏe. Tập cho con một chế độ ăn đa dạng với lượng phù hợp, vừa phải. Nếu bé biết rằng mình được phép ăn kẹo, nhưng không phải là hàng ngày, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bé chọn ăn cả trái cây và rau nữa. Đừng quên cho bé tham gia nấu ăn cùng bạn.
20. Có óc tưởng tượng
Hãy chơi cùng con, và đừng làm bé buồn khi bạn cười nhạo hoặc xem thường những ý tưởng “chập mạch” của bé. Cứ để kệ bé tự rút ra những quy luật, rồi bạn sẽ thấy, bé lớn và sáng tạo hơn nhiều.
21. Thích vẽ và làm thủ công
Hãy cho bé ra ngoài chơi vẽ, chơi sáp nặn. Trò chơi này cho bé kỹ năng vận động cần thiết khi học viết.
22. Yêu âm nhạc
Các loại nhạc cụ rất có ích cho bé, chúng giúp bé phát triển tâm hồn và cả các kỹ năng về không gian, lập luận và vận động.


Lịch vạn niên

Đồng hồ

Số lượng người truy cập

Nhận xét

Số lượng người truy cập: