Pages

Quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng: So sánh giữa thế giới và Việt Nam


Cũng giống như bao quy trình quản trị rủi ro khác, quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng cũng bao gồm việc xác định nguyên nhân gây ra rủi ro, xây dựng những danh mục các rủi ro chính và tìm biện pháp để phòng ngừa rủi ro. Theo quy trình này, bài viết sẽ trình bày rủi ro trong quản trị chuỗi cung ứng dưới góc nhìn của các nhà lãnh đạo tập đoàn thế giới, đồng thời thông qua đó liên hệ đến việc quản trị rủi ro tại thị trường Việt Nam.

1.Yếu tố gây nên rủi ro trong chuỗi cung ứng gồm yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey, khoảng 2/3 các công ty hoạt động toàn cầu cho rằng rủi ro đến với chuỗi cung ứng của họ tăng rất nhanh trong vòng 5 năm qua (xem hình 1). Theo họ, rủi ro trong chuỗi cung ứng chính là khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến với khách hàng ở một mức chi phí hiệu quả. Điều này cũng dễ hiểu khi mà chuỗi cung ứng của các công ty này luôn đứng trước sự đánh đổi (trade-off) giữa việc nâng cao dịch vụ khách hàng (chẳng hạn như tỷ lệ hàng luôn luôn sẵn sàng, thời gian giao hàng ngắn…) với việc quản lý chi phí (chi phí tồn kho và chi phí vận chuyển cao). Ngoài ra chuỗi cung ứng của các công ty này còn phải đối mặt với những yếu tố bên ngoài không thuận lợi như:
Sự tăng nhanh của hoạt động thuê ngoài đã ngày càng làm cho chuỗi cung ứng của các công ty ngày càng phức tạp hơn do nhiều nhà cung cấp hơn ở những quốc gia khác nhau, cùng với việc nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng ở phạm vi toàn cầu. Ngoài ra sự phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp không chuyên nghiệp cũng sẽ đem đến những rủi ro cho các công ty. Năm 1997, Boeing đã mất đi gần 2.6 tỷ đôla do thiếu hụt nguyên vật liệu và phụ kiện từ các nhà cung cấp. Và cùng năm, Toyota cũng phải ngưng sản xuất 20 ngày liên tục do sự cố cháy ở nhà cung cấp hệ thống thắng thủy lực duy nhất (Aisin Seiki). Theo Toyota thì chi phí cho việc ngưng sản xuất này vào khoảng 195 triệu đôla cùng với doanh thu khoảng 325 triệu đô bị mất.
Những quy định và luật lệ của các tổ chức quốc tế cũng như quốc gia ngày càng nhiều hơn khiến cho hoạt động thương mại quốc tế trở nên phức tạp, chẳng hạn như quy định khai hải quan trước 24 giờ tàu chạy của Mỹ, hay như quy định về có khả năng áp dụng quét 100% container tại các cảng đi trước khi cập cảng của Mỹ. Ngoài ra còn có các quy định liên quan đến an toàn như C-TPAT, CSI, ISPS, Known Shipper, PIP mà các công ty phải tuân thủ theo. Vẫn còn nhớ sau sự kiện 11-9, Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp an toàn và điều này đã làm cho hàng ngàn chiếc xe tải chở nguyên vật liệu phải nằm chờ tại biên giới Mỹ - Canada trong khi đó các nhà máy không có nguyên vật liệu để sản xuất. Nền kinh tế ngày càng không ổn định với các chu kỳ kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều. Khi nền kinh tế trở nên yếu đi thì nhu cầu cho các sản phẩm ngày càng giảm và nếu như công ty đang phải sở hữu một lượng tồn kho lớn thì sẽ phải đối mặt với sự thiệt hại về kinh tế. Cisco đã từng phải loại bỏ hàng tồn kho trị giá 25 tỷ USD ra khỏi sổ sách kế toán của mình vào quý 2 năm 2001 khi mà nhu cầu yếu đi.
Vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn cùng với sự thay đổi nhanh của công nghệ đã dẫn đến hàng tồn kho ngày càng mau lỗi thời.
Nhu cầu của khách hàng nhìn chung ngày càng cao và khắt khe hơn đã đặt ra thách thức cho chuỗi cung ứng của công ty phải nhanh hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường cùng với tỷ lệ cao hơn về sự sẵn sàng sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn.
Sự hạn chế năng lực sản xuất trước sự phát triển nhanh của nhu cầu. Hãng Nike nổi tiếng đã phải báo cáo lỗ hơn 100 triệu đôla vào năm 2000 vì thiếu hụt trong việc cung ứng đôi giày Air Jordan. Thiên tai, những yếu tố môi trường và hỏa hoạn ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một trong những rủi ro ảnh hưởng nặng nề nhất đến chuỗi cung ứng của các công ty toàn cầu. Cơn bão Floyd đã làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động sản xuất phụ tùng của công ty Daimler-Chrysler tại Greenville, North Carolina (Mỹ) khiến cho bảy nhà máy sản xuất của công ty này phải đóng cửa bảy ngày. Hẳn những người quan tâm đến chuỗi cung ứng đều biết đến sự kiện cháy nhà máy cung cấp linh kiện và thiết bị cho Nokia và Eriksson ở New Mexico năm 2000. Điều này đã khiến cho Eriksson không có đủ linh kiện cho các máy điện thoại và kết quả ước tính lỗ hơn 390 triệu USD. Hơn thế nữa, chính sự kiện này đã làm thị phần của Eriksson giảm xuống đáng kể.
Vậy rủi ro từ chuỗi cung ứng có thể đến từ bên trong nội bộ công ty để giải quyết bài toán chất lượng dịch vụ và hiệu quả chi phí, và bên ngoài công ty. Có thể tóm tắt bằng mô hình như sau:
2. Danh mục các rủi ro chính: Liên hệ với Việt Nam
Cũng theo nghiên cứu của McKinsey, thì nhóm năm rủi ro lớn nhất mà các chuỗi cung ứng của các công ty đang bị ảnh hưởng là: (1) Sự sẵn có, chi phí và chất lượng của nguồn nhân lực, (2) Các vấn đề về pháp lý, (3) Sự đáng tin của các nhà cung cấp, (4) Sự thiếu hụt các các nguyên vật liệu và giá cả biến động, (5) Sự biến động của tỷ giá hối đoái
Nhìn lại Việt Nam, các công ty khi hoạt động trong môi trường này cũng đánh giá rằng, nhân sự và vấn đề pháp lý vẫn luôn là 2 rủi ro hàng đầu mà các chuỗi cung ứng của các công ty đang phải đối mặt. Tuy nhiên một trong những rủi ro nổi lên trong 3 nhóm rủi ro chính tại thị trường Việt Nam là cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Điều này có thể được lý giải khi Việt Nam vẫn là nền kinh tế còn đang chuyển đổi và phát triển. Sự yếu kém này được thấy rõ nhất với 3 tháng vừa qua khi hệ thống cảng Việt Nam bị tình trạng ùn tắc dẫn đến chi phí tăng, đồng thời làm ngưng trệ các kế hoạch cung ứng cho sản xuất cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo Frost & Sullivan thì biểu hiện của các rủi ro trên như sau:
Sự không nhất quán trong chính sánh và pháp luật quy định về hoạt động logistics. Điển hình nhất là sự không nhất quán trong các chính sách về thủ tục hải quan, về kho bãi, và về điều hành cảng. Điều này làm cho quy trình trở nên nặng nề và phức tạp. Hơn thế nữa sự chồng chéo giữa các cơ quan trung uơng và điạ phương đang làm tăng sự không minh bạch và tăng chi phí/thời gian để xử lý một đơn vị hàng. Việc thiếu hẳn những quy định về vận chuyển đa phương thức, và sự phức tạp của thủ tục giấy tờ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động logistics.
Những yếu kém về cơ sở hạ tầng hiện hữu. Theo đánh giá thì hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt đồng logistics ở Việt Nam vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của ngành. Theo thống kê, chỉ dưới 10% kho bãi có thể đáp ứng được nhu cầu luân chuyển hàng hóa (cross-docking). Còn về hệ thống vận chuyển, hầu hết đều không đạt chuẩn quốc tế với phần lớn các xe tải đều trên 10 tuổi. Bên cạnh đó, các cảng biển lớn của Việt Nam đều không được thiết kế để xử lý các loại hàng container.
Thiếu hẳn nguồn nhân lực trình độ cao. Ngành logistics Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ cao. Đây là một thách thức không chỉ đối với quốc gia mà còn đối với các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, bởi vì rất khó cho họ để tìm được những người họ thật sự cần.
Ngoài ra khi tham gia vào thị trường Việt Nam, các công ty đa quốc gia còn cho rằng các yếu tố như việc vi phạm bản quyền, và sự biến động ngoại tệ cũng là những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng.
Vậy, có thể thấy rằng rủi ro về thiếu hụt nguồn nhân lực và sự không nhất quán về pháp lý là hai rủi ro hàng đầu mà các công cần phải quản lý tốt nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng.
3. Các giải pháp để quản trị rủi ro hiệu quả: Liên hệ với Việt Nam
Cũng theo báo cáo của McKinsey, để hạn chế bớt những tác động rủi ro cho chuỗi cung ứng, các công ty cho rằng họ cần phải thực hiện những kế hoạch sau: (1) Đưa chỉ tiêu hiệu quả vào các hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên vật liệu hay nhà cung cấp dịch vụ logistics, (2) Luôn luôn thông báo trước cho khách hàng của mình về những vấn đề có khả năng xảy ra, (3) Loại bỏ những nhà cung cấp kém năng lực, (4) Cùng với khách hàng chia sẻ chi phí tăng cao, (5) Nâng cao sự liên kết trong doanh nghiệp, (6) Phòng ngừa rủi ro tỷ giá , (7) Bảo hiểm, (8) Phòng ngừa rủi ro hàng hóa, (9) Khác
Theo một khảo sát đối với 68 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, thì 15% ý kiến lo lắng về quyền sở hữu trí tuệ, 7% lo lắng về sự không ổn định của Chính phủ, và 3% lo lắng về các hàng rào luật pháp, trong khi có tới 28% ý kiến lo lắng cho rằng việc thuê và giữ nhân viên cao cấp cho hoạt động chuỗi cung ứng là một trong những rủi ro khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Theo Phó chủ tịch về Chuỗi cung ứng tại một công ty hàng tiêu dùng, “Trình độ nguồn nhân lực cao cấp tại các thị trường mới nổi là khác nhau, và không đủ để cung cấp. Chúng tôi phải tìm cách để tìm những nguời tốt nhất, giữ, và tạo động lực cho họ... Chúng tôi rất vất vả để giữ nguồn nhân lực này thông qua việc tăng lương liên tục. Và kết quả là lợi nhuận của chúng tôi bị ảnh hưởng. Trong tương lai, đây là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi khi chúng tôi dự định xây dựng lợi thế cạnh tranh tại các thị trường mới nổi này”. Điều này cũng dễ hiểu bởi việc thu hút và giữ được nguồn nhân lực ngày càng trở nên thách thức đối với các công ty đa quốc gia họat động tại thị trường Việt Nam vì nguồn cung không đủ và mức độ tăng lương hằng năm có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận các công ty. Và do đó việc giữ nguồn nhân lực cao cấp cũng như đào tạo luôn là những hành động ưu tiên mà các công ty tại Việt Nam đang thực hiện nhằm giảm bớt rủi ro cho chuỗi cung ứng của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lịch vạn niên

Đồng hồ

Số lượng người truy cập

Nhận xét

Số lượng người truy cập: