Thông thường những người bị chấn thương
sọ não (bao gồm cả chấn động não, dập não và tụ máu nội sọ) sau một thời gian
đều lâm vào tình trạng suy nhược thần kinh với các biểu hiện như đau đầu, hoa
mắt chóng mặt, ù tai, mất ngủ, trí nhớ giảm sút... Y học cổ truyền cho đây là
chứng khí huyết bất túc, đàm ứ lưu trở, não tủy thất dưỡng. Nguyên tắc điều trị
là phải hóa ứ khứ đàm, bổ khí dưỡng huyết, tư thận ích tủy bằng các biện pháp
mang tính tổng hợp bao gồm uống thuốc, châm cứu xoa bóp, tập luyện khí công
dưỡng sinh..., trong đó có việc sử dụng các món ăn – bài thuốc nhằm mục đích hỗ
trợ điều trị. Dưới đây, xin được giới thiệu với bạn đọc một số ví dụ điển hình.
Bài 1: Hạt sen (còn cả tâm sen) 50g sao
vàng tán bột, long nhãn 30g. Hai thứ nấu thành chè, chế thêm một chút đường
phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ hư, dưỡng tâm, an thần, dùng
cho những người bị mất ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, dễ bị kích động.
Bài 2: Hoa hồng 15g sắc kỹ lấy nước bỏ
bã. Tim dê 500g rửa sạch thái miếng đem hầm nhừ với nước sắc hoa hồng, chế đủ
gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: hoạt huyết, dưỡng tâm, an thần, dùng cho
người hay bị đau đầu, mất ngủ sau chấn thương.
Bài 3: Chim bồ câu 1 con làm sạch bỏ
ruột, long nhãn 10g, long vải 10g, hạt sen 10g, kỷ tử 5g, đường phèn 15g, rượu
vang 10g. Tất cả đem hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng:
bổ ngũ tạng, an thần, ích trí dùng cho người suy nhược cơ thể, hay đau đầu, mất
ngủ, trí nhớ giảm sút sau chấn thương sọ não.
Bài 4: Đầu cá chép 1 cái, bạch chỉ 6g,
đường đỏ 20g. Tất cả đem hầm nhừ lấy nước uống. Dùng cho người tâm thần bất an,
hay đau đầu, chóng mặt sau chấn thương sọ não.
Bài 5: Lá sen 6g, kim ngân hoa 6g, vỏ
dưa hấu 6g, hoa đậu ván trắng 6g, vỏ quả mướp 6g. Tất cả đem sắc lấy nước uống
thay trà trong ngày. Công dụng: thanh tâm, an thần, định huyễn dùng cho người
hay bị hoa mắt chóng mặt, có cảm giác nóng trong ngực, nóng lòng bàn tay, bàn
chân, đại tiện táo, tiểu tiện vàng đỏ.
Bài
6: Não lợn 100g, tỏi 20g bỏ vỏ thái vụn, gia vị vừa đủ. Tất cả đem hầm cách
thủy, khi chín cho thêm một chút dầu thực vật, chia ăn vài lần trong ngày. Công
dụng: kiện não, an thần, ích trí dùng cho người sau chấn thương bị mất ngủ, hoa
mắt chóng mặt, hay quên, hay mộng mị.
Bài 7: Não dê 1 bộ, xuyên khung 15g,
thiên ma 9g, gia vị vừa đủ. Tất cả đem hầm trong khoảng 60 phút, chia ăn vài
lần. Có tác dụng chữa đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, hay quên.
Bài 8: Gà nhỏ (chừng 750g) 1 con, đông
trùng hạ thảo 9g, ngũ vị tử 9g, kỷ tử 15g, long nhãn 15g, hoài sơn 30g, biển
đậu 30g. Tất cả làm sạch đem hầm nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong
ngày. Dùng cho những người cơ thể quá suy nhược, chậm phục hồi sức khỏe sau
chấn thương.
Bài 9: Nho tươi 500g, rửa sạch, ép lấy
nước cốt, bã đem sắc kỹ lấy nước rồi hòa lẫn hai thứ nước với nhau, mỗi ngày
uống 2 lần, mỗi lần 100ml. Công dụng: bổ hư, dưỡng tâm, an thần, dùng cho các
trường hợp bị suy nhược thần kinh sau chấn thương sọ não.
Bài 10: Thiên ma 10g, vỏ quýt để lâu
năm 10g. Hai thứ sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20
phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng bình can, trừ đàm,
trấn thống, dùng cho những người sau chấn thương cơ thể béo trệ, hay đau đầu,
buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, mình mẩy nặng nề.
Cũng
như y học hiện đại, y học cổ truyền khuyên bệnh nhân nên tránh các chất kích thích
như cà phê, trà đặc, rượu, bia, thuốc lá... và các thức ăn khó tiêu, chú ý tập
luyện hợp lý và vệ sinh tinh thần đầy đủ.
ThS. Hoàng Khánh Toàn
(Theo Sức khỏe & đời sống)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét