Lương
Văn Can - Cuộc đời- sự nghiệp
Lương Văn Can (1854-1927), tên tự
là Ôn Như, hiệu là Sơn Lão, là nhà cách mạng Việt Nam, là một trong những người
sáng lập ra và làm hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục năm 1907. Ông quê ở
làng Nhị Khê, bây giờ là xã Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam.
Năm 1871, khi 17 tuổi, Lương Văn
Can đỗ thi Hương, vào tới tam trường. Năm 1875, ông thi đỗ Cử nhân, nhưng do bố
mất, năm sau ông không đi thi Hội nữa. Sau đó ông ở nhà cưới vợ là bà Lê Thị Lễ,
và tới năm 25 tuổi (1879) ông mở trường dạy học tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội.
Vì đỗ cử nhân, ông thường được gọi là "cụ Cử Can".
Vào thời điểm này Việt Nam đang ở
nằm trong thế suy vong và đứng trước họa xâm lăng của người Pháp. Là nhà nho
yêu nước, ông đã học hỏi theo sách của các nhà tư tưởng tiến bộ của phương Đông
như: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, ... lẫn phương Tây như: Voltaire,
Montesquieu, ... nhằm tìm con đường canh tân đất nước. Khi thấy cuộc cải cách
Minh Trị thành công trên đất Nhật Bản, học tập người Nhật, ông cùng bạn bè tìm
cách thành lập một trường học, theo kiểu trường Khánh Ưng nghĩa thục của Phúc
Trạch lập ở Nhật, để làm cuộc cách mạng về văn hóa, đồng thời tuyên truyền lòng
yêu nước, tinh thần chống Pháp trong dân chúng Việt Nam. Với mục đích đó, năm
1907 trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời ở 10 Hàng Đào, và căn nhà ông ở phố
Hàng Đào cũng trở thành nơi học. Từ trường Đông Kinh nghĩa thục này ở Hà Nội,
phong trào Đông Kinh nghĩa thục lan đi rất nhanh và sâu rộng tới các tỉnh như:
Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, ..., Quảng Nam,... làm thực dân Pháp
lo sợ.
Tháng 12.1907, nhà trường bị cấm
hoạt động, ông cùng một số đồng chí bị bắt giam; không khai thác được gì, thực
dân Pháp đành phải thả ông. Năm 1913, bị Pháp kết án biệt xứ và đày đi an trí ở
Phnôm Pênh (Cămpuchia). Năm 1924, được tha về. Mất tại Hà Nội. Còn lại hai bài
thơ "Khuyến trung" và "Cảm tác" đều nêu cao tấm lòng trung
với nước. Cuốn "Đại Việt địa dư" xuất bản 1925 là một cuốn địa lí diễn
ca. Cuốn "Luận ngữ cách ngôn diễn giải" cũng giúp cho các thế hệ
thanh niên trước đây tìm hiểu về Khổng giáo.
Lương Ngọc Quyến, hiệu là Lập
Nham, sinh năm 1885 tại Hà Nội trong một gia đình khoa cử khá giả. Tổ quán là
làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (quê hương Nguyễn Trãi) nay thuộc
ngoại thành Hà Nội. Cha là cụ Cử Ôn Như Lương Văn Can, anh cả là ông Lương Trúc
Đàm, những người sáng lập và điều hành Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Thưở nhỏ Ngọc
Quyến cũng dùi mài kinh sử, miệt mài với chồng sách cũ, dũa vần gọt chữ để mong
có ngày tranh khôi đoạt giáp cùng các bạn. Khóa thi Hương năm Canh Tý (1900) vừa
tròn 15 tuổi anh hăm hở lều chõng lên đường. Nhưng bị hỏng vì bài phú, anh liền
tỉnh ngộ, nhận ra lối học khoa cử từ chương là hủ bại. Chính nó đã làm cho dân
mình hèn, nước mình mất. Rồi anh tìm đọc sách tân học của Trung Quốc, rất tâm đắc
với tư tưởng duy tân cách mạng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, anh sớm nhận
ra thanh niên Việt Nam phải mau học tập binh cơ võ bị tân thời mới mong đánh đuổi
được kẻ thù, giành lại quyền tự do độc lập cho đất nước.
Tìm
đường cứu nước
Năm 1905, vừa tròn 20 tuổi, Lập
Nham quả quyết từ bỏ cuộc sống sang giàu chốn Hà thành, bái biệt cha mẹ, làm giấy
cho phép vợ hiền cải giá, rời bỏ đứa con gái nhỏ mà đi.
Phan Bội Châu,trong Ngục trung
thư có viết về người thiếu niên quả cảm họ Lương như sau:
“Tháng 10 năm Ất Tỵ (1905), tôi đến
Hoàng Tân, về nhà trọ cũ đã thấy nói có một thanh niên học sinh ta đã đến ở đó
trước, có ý chờ đợi hỏi thăm về tôi… Thì ra là Lương quân Lập Nham, con Cụ Cử
Ôn Như. Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đôi mắt sáng quắc, đầu tóc còn
để bờm xờm. Một thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão cao xa, chỉ nghe nói
tôi mới sang Đông mà đã mạnh bạo bỏ nhà ra đi một thân một mình, không kể gì
gian nan nguy hiểm. Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà mà được nhiều người có ý
chí kiên cường mạo hiểm như Lương quân thì con đường phục quốc của ta sẽ rút ngắn
được biết bao nhiêu!”.
Thời gian đầu ở Đông Kinh, Lập
Nham một mặt học Nhật ngữ để sửa soạn vào trường võ bị Chấn Võ, một mặt viết
thơ về động viên các đồng chí gửi người sang du học. Trong vòng hai năm đã có
trăm học sinh ta được gửi sang học các trường ở Nhật do các nhà hảo tâm trong
nước tài trợ. Nhưng rồi một hiệp định được ký giữa Nhật và Pháp yêu cầu Nhật phải
trục xuất những người Việt ra khỏi đất Nhật trong vòng 48 tiếng. Dĩ nhiên hai
ông đầu đàn Phan Bội Châu và Cường Để phải đi trước. Như rắn mất đầu, anh em
Đông Du chới với. Riêng Lập Nham và em trai là Nghị Khanh nhờ lộn sòng quốc tịch
mà được ở lại.
Trong
lịch sử của nước Việt Nam, số người viết về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế,
kinh doanh không nhiều. Tác giả tiêu biểu nổi lên có cụ Lương Văn Can và cụ
Phan Kế Bính. Hai cụ đều là những học giả uyên bác. Cụ sống từ cuối thế kỷ XIX
qua những năm đầu của thế kỷ XX, chứng kiến nhiều sự thay đổi của đất nước khi
tiếp xúc với văn minh phương Tây, trong đó có thay đổi về phong tục. Trong cuốn
“Việt Nam phong tục”- Phan Kế Bính và “Thương học phương châm” – Lương Văn Can,
hai Cụ đã có những kiến giải rất súc tích về nghề buôn bán. Thiết nghĩ, đây là
tư liệu có ích để các doanh nhân ngày nay “suy cổ luận kim”.
Cụ
Lương Văn Can trong cuốn “Thương học phương châm” đã
tổng kết 10 nhược điểm yếu kém của doanh nhân Việt như sau:
-
Không có thương phẩm
-
Không có thương hội
-
Không có chữ tín
-
Không có kiên tâm
-
Không có nghị lực
-
Không biết trọng nghề
-
Không có thương học
-
Kém đường giao thiệp
-
Không biết tiết kiệm
-
Khinh bỉ nội hóa
Còn
trong cuốn “Việt Nam phong tục” của mình, cụ
Phan Kế Bính đã chỉ rõ nguyên nhân yếu kém của các doanh nhân An Nam như:
…
“Xét ra việc buôn bán của ta không được thịnh vượng bằng các nước cũng bởi nhiều
cớ:
Một
là, vì ta không biết trọng nghề buôn bán. Phần nhiều
người chỉ nô nức về đường công danh, sĩ hoạn mà coi nghề buôn bán là một nghề
khinh thường. Người giàu có cho con đi học, mong cho con về sau nhất ra thì làm
nên ông nghè ông bảng, không nữa thì cũng phải làm được ông hậu ông hàn, chớ
nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông tài nọ. Người làm quan trở
về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên thuốc quấn, đàn ngọt
hát hay làm vui thú, chớ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ, ông quản lý cửa
hiệu kia. Mà các bác nhờ tổ ấm đủ bát ăn thì cũng lấy sự thanh nhàn là thú ở
trên đời, còn việc buôn bán thây mẹ đĩ. Té ra bao nhiêu công việc buôn bán phần
nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái thì mong sao mà mở
mang to ra được.
Hai
là, vì nhát tính không dám đi xa. Người
nhờ có dấn vốn chỉ ngồi phèn phệt một xó, cái gì cũng chờ người ta mang đến tận
nơi, mua tranh bán cướp với nhau, chớ một bước cũng không dám dời đi đâu cả. Ví
dụ có chăng nữa thì chẳng qua Hà Nội xuống Hải Phòng, Sơn Tây xuôi Nam Định đã
cho là xa xôi, ai bần cùng lắm mới lên đến Lào Cai, Yên Bái, hoặc vào đến Bình
Định, Sài Gòn. Còn chỉ những lo nước độc, ma thiêng, hoặc là phong ba bất trắc
mà quanh năm chí tối bán quẩn, buôn quanh.
Ba
là, vì không có lòng thành thật, nhất là những kẻ gian
tham của một nói thách lên mười đề lừa những người khờ dại, nhờ cái sự sơ ý của
người ta mà kiếm ăn làm giầu, làm có, thì cái tài ấy cũng đáng khinh bỉ lắm. Lại
còn những kẻ giả dối, điêu trách nói tốt bán của xấu càng người quen càng lèn
cho đau thì cũng đáng khinh nữa. Đến như các nhà hợp cổ mở ra hội này hội khác,
công việc chưa thành, đã đem lòng ngờ vực nhau rồi. Nào là chủ hội thì nghi cho
người làm công ăn bớt, nào là người cổ phần thì nghi cho chủ hội hà lạm mà rồi
thì ai ai cũng chỉ muốn giữ lợi riêng, chẳng quản gì đến hội nữa. Vì thế người
có phần sinh chán, mà chẳng bao lâu phải tan.
Bốn
là, vì ta không có lòng kiên nhẫn. Phàm là việc gì, có
phải dễ dàng mỗi chốc mà thành hiệu ngay được đâu. Ta buôn bán động hơi thấy lỗ
vốn một chút hoặc hơi vấp váp điều gì thì đã ngã lòng ngay. Hoặc người đóng cửa
trả môn bài, hoặc người xin thôi cổ phần, làm cho các việc có cơ tấn tới mà
cũng phải tan không thành nữa.
Năm
là, vì ưa phù hoa, lấy sĩ diện với ngoài. Ai buôn bán
hơi được kha khá phát tài, đã vội vàng đổi ngay bộ dáng cũ. Cửa nhà trang sức rực
rỡ, coi ra dáng đại phú gia rồi. Đi đâu thì quần nọ áo kia, xe xe ngựa ngựa,
nghênh ngang lên mặt tưởng không ai bằng ta, nhất là dư của mà mua được tiếng
ông hàn, ông bá thì lại coi ra dáng nữa. Chí khí nông nổi như vậy thì tích luỹ
làm sao cho nên một vốn to, để mở mang cho mỗi ngày một phát đạt. Vì các lỗi
trên này mà đường buôn bán suy nhược, trách nào mà bao nhiêu lợi quyền chẳng
vào tay người khác.
Ít
lâu nay đã có người hiểu cách buôn bán là trọng, lập nên công này, việc khác
cũng đã ra tuồng và cũng đã được hưởng những lợi quyền sung sướng ở trong việc
buôn bán. Song nghìn người mới được một vài người, chớ phần nhiều vì vẫn u u mê
mê như trước mà dẫu có muốn mở mang cũng không có lòng thành tín và lòng kiên
nhẫn để cho nên một cuộc hay.
Than
ôi! Việc lý tài chung của một nước, trọng nhất là sự buôn bán. Đường buôn bán
có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán mà suy thì nước cũng suy. Thử xem
như các nước cường thịnh bây giờ nước nào là nước không có tàu đi buôn đi nhiều
nơi. Nước nào là nước không có hiệu buôn lập nhiều chốn, có đâu lại lạ như nước
ta, không được một chiếc tàu nào xuất dương, một cửa hàng nào ở ngoại quốc, vậy
mà cứ muốn vinh dự như các nước, thì vinh làm sao được?”
saga.vn – sưu tầm và tổng hợp
Lương Văn Can - người thầy của giới doanh
thương
Trong sự nghiệp
trước tác của Lương Văn Can, có hai quyển sách bàn về việc kinh doanh mà lâu
nay ít được biết tới. Ðó là quyển "Kim cổ cách ngôn" và "Thương
học phương châm" (hiện còn ở dạng bản thảo, lưu giữ tại thư viện khoa học
trung ương và gia đình tác giả).
Theo nhà sử học
Dương Trung Quốc, "Kim cổ cách ngôn" là "một thứ sách giáo khoa
bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một "đạo làm
giàu" của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội
thời thuộc địa".
Trong phần luận
về "Ðời người và của cải", Lương Văn Can viết: "Người ta từ sự
ăn uống, may mặc đến những việc trưởng thành như lấy vợ, lấy chồng... đều phải
cậy nhờ vào của cải. Của cải là sự sống còn của con người. Chính vì vậy khi
dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa
không... Nguồn của cải đã trong sáng thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính
toán cân nhắc việc nặng, việc nhẹ, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau.
Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên
chi...".
Bàn về kinh
doanh, tác giả cho rằng "kinh doanh phải hiểu nghĩa". Ông viết:
"Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là
nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng
bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất
mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh
chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng
tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay
thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy!...".
"Thương học
phương châm" là một quyển sách rất đáng chú ý bởi vì nó không chỉ hướng
dẫn cụ thể về nghề thương mại mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với
sự phát triển kinh tế và mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời
phong kiến.
Theo nhà nghiên
cứu Trần Thái Bình, quyển sách này bao gồm các mục: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự
buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương
điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp giản, Ðiều lệ nhà băng, Sự buôn bán
nước ta... Chưa vội đi vào chi tiết, chỉ lướt qua các đề mục này cũng có thể thấy
ngay rằng từ cách đây hơn 70 năm, tác giả đã là người có kiến thức rộng về kinh
doanh và các vấn đề được đưa ra bàn chẳng khác mấy - có chăng là từ ngữ - với
khoa thương mại hiện đại. Cũng là các vấn đề vốn, kế toán, tiếp thị, bán hàng,
giao tế, thương hiệu...
Trong lời tựa,
tác giả khẳng định: "Ðương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú
cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong trường thương chiến, văn
minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ
đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được".
Phân tích nguyên
nhân không phát triển của thương mại nói riêng, kinh tế nước ta nói chung,
Lương Văn Can vạch ra 10 điểm; đó là: 1. người mình không có thương phẩm; 2.
không có thương hội; 3. không có tín thực; 4. không có kiên tâm; 5. không có
nghị lực; 6. không biết trọng nghề; 7. không có thương học; 8. kém đường giao
thiệp; 9. không biết tiết kiệm; và 10. không nội hóa.
Do vậy, theo
ông, để cho dân giàu nước mạnh, cần phát triển nghề buôn, và mọi người cần chú
trọng thực nghiệp, phải lưu tâm nghiên cứu thương học. Ông viết: "...nước
ta ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan, ngày nay học Tây chỉ
chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người chí làm thực nghiệp. Hoặc có một
bọn muốn làm nghề buôn mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì
thất bại khánh tận ngay, ấy chỉ bởi không có thương học mà đến thế".
Ðó cũng chính là
mục đích khiến ông viết tác phẩm này, với lòng mong mỏi: "Ðộc giả chọn lấy
mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn
trước được chăng".
Cũng cần nói
thêm là Lương Văn Can không chỉ viết sách dạy buôn bán mà chính ông cũng từng
xắn tay vào cuộc kinh doanh. Lúc bị lưu đày ở Nam Vang, ông đã cùng với vợ là
bà Lê Thị Lễ lập một đường dây xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Hà Nội và thị
trường Cambodia.
Hơn 70 năm
trước, chuyện một nhà cách mạng xuất thân từ Nho học, chẳng qua một trường lớp
kinh tế nào lại viết sách dạy buôn bán, đó quả là một điều lạ lẫm, đáng ngạc
nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi những lập luận, phân tích và kiến thức trình
bày trong đó rất sắc sảo, cụ thể, khác với kiểu tư duy trừu tượng, xa thực tế
và quan niệm cổ hủ của phần lớn trí thức khoa bảng thời đó. Tuy vậy, điều đó
cũng không có gì khó hiểu đối với những người mà khát vọng canh tân tự cường
đất nước mãnh liệt đến mức có thể xô ngã những ràng buộc, rào cản của những lề
thói và quan niệm lệch lạc đã tồn tại cả ngàn năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét