Pages

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

CHỮ HÁN - NHỮNG ƯỚC MONG NGÀY TẾT

1. Trong tâm thức nhân loại nói chung, người Á Đông nói riêng, tết là một dịp để gia đình tụ họp, sum vầy. Đó là dịp tốt nhất cho cả nhà cùng nhau xem lại thành quả của tất các thành viên sau một năm phấn đấu để cùng nhau chúc mừng, chia sẻ. Đồng thời cũng để chúc nhau, để hy vọng trong năm mới có thêm nhiều may mắn, phúc lộc. Chính vì vậy, dịp tết người ta hay nói tới những điều lành, tránh (tạm quên) những điều dữ trong cuộc sống. Đó như là một ước mong của con người vậy.
2. Trong tâm thức của người Á Đông, việc chúc nhau trong ngày tết ngoài họp mặt truyền thống còn có tặng quà. Với trẻ nhỏ thì tặng bao lì xì[1] đỏ, mong cho bé mau lớn hay học hành tiến bộ; với người thân, bạn bè thì đem chút ít bánh, mứt, rượu, trà gọi là “góp gạo nấu cơm” cho buổi họp mặt vui lại càng vui. Ở Việt Nam và các nước đồng văn nói chung, bên cạnh những món quà vật chất có tính “tượng trưng” ấy thì còn có “món quà” mang ý nghĩa tinh thần lớn lao khác, đó là lời chúc! Lời chúc ngày xưa thường được cố định thành văn dưới dạng câu đối. Câu đối tết được viết trên giấy son, mực đen hay vàng, dùng để treo trước nhà, thể hiện ước mong “phúc lộc như cầu”. Câu đối, hoa và pháo là biểu tượng cho sự tươi tắn, rộn ràng, là dấu hiệu đặc trưng cho ngày tết cổ truyền.

Ngày nay, tết đã khác xưa rất nhiều. Câu đối, khó có thể đẹp, “tao” trong khung cảnh nhà bằng vật liệu bê tông được xây dựng với thiết kế hiện đại. Câu đối để dán thì phải “sống” trong kết cấu cân xứng như nhà ba gian. Loại này ngày nay chủ yếu tồn tại ở các đình, chùa, miễu và khu vực nông thôn, nhưng cũng còn rất ít. Vì vậy mà câu đối mất đi môi trường để tồn tại đúng nghĩa. Người chuộng chữ nghĩa ngày nay thì tặng nhau bằng lịch chữ hoặc đôi ba câu viết trên giấy hoa, giấy màu. Nhưng về thực tế, đó đâu phải là một câu đối! Cả chữ Hán hay Quốc ngữ, người ta thường viết một chữ thật to thể hiện chủ đề, sau đó là một vài câu bằng chữ nhỏ để lý giải hay minh chứng cho chữ chủ đề ấy. Đây cũng là một hình thức chúc mừng gần với truyền thống nhưng đã có sự cách tân đáng kể. Pháo thì đã trở thành quốc cấm vì mục tiêu tiết kiệm và an toàn cháy nổ từ năm 1997. Đây là một chủ trương chung, tuy có làm giảm không khí tết một chút nhưng được lợi cho dân rất nhiều. Như vậy, chỉ còn hoa là “người tình chung thuỷ” của những ngày xuân!
Nhưng nét đẹp dùng chữ, đặc biệt là chữ Hán để chúc mừng có mất đi trong dịp tết hiện đại không? Theo quan sát của chúng tôi từ nhiều năm nay thì nét đẹp ấy không những không bị mai một mà còn có xu hướng hưng thịnh nữa. Chúng ta thử quan sát, hầu hết các “liễn đối hiện đại”, thiệp chúc hay những câu chữ trong các bao bì đựng bánh, mứt, rượu, trà trong dịp tết đều có xu hướng dùng chữ Hán. Chữ Hán này chỉ nhằm trang trí cho đẹp, tạo sự gần gũi và “quen mắt” mà thanh tao, sang trọng đối với người tiêu dùng. Hầu hết chúng đều là những câu, từ đơn giản, đọc thuận miệng trong tiếng Việt, khi đọc âm đó ra thì không cần dịch nghĩa, chú từ mà tuyệt đại đa số vẫn hiểu. Có nghĩa là những câu, từ ấy đã được lưu hành tới mức phổ thông, phổ biến. Chẳng hạn các từ  phúc,  祿 lộc, thọ, 富貴 phú quý, 榮華vinh hoa, 大吉 đại cát, 大利 đại lợi… hay các ngữ có kết cấu và cách dùng như một thành ngữ: 萬事如意 vạn sự như ý, 福祿安康 phúc lộc an khang, 富貴安康 phú quý an khang, 新春如意 tân xuân như ý, 新春得意 tân xuân đắc ý,  如意吉祥 như ý cát tường, 如意發財 như ý phát tài, 春日平安 xuân nhật bình an, 金玉滿堂 kim ngọc mãn đường… Đây là những ngữ có trên lịch hoặc bao bì sản phẩm trong dịp tết. Ngoài ra còn có những ngữ viết dưới dạng liễn ngang (tựa như hoành phi, nhưng không lớn bằng) treo ở cửa: 進財進祿 tấn tài tấn lộc, 成功美滿 thành công mỹ mãn, 格財進寶 cách tài tiến bảo, 五福臨門 ngũ phúc lâm môn (năm điều phúc đến nhà, là phú, quý,  thọ, khang, ninh)…
Trong dân gian còn tồn tài nhiều câu đối chữ Hán rất hay, được người ta treo trong nhà nhưng không ở mức phổ biến. Chúng tôi đã từng hỏi qua, có những người không đọc được những câu chữ ấy nhưng người ta vẫn thích, vì thấy nó toát lên vẻ trang trọng, rực rỡ, mang hương vị, dáng dấp của ngày xuân nên mua để treo. Đó vẫn là những lời chúc thể hiện ước mơ cháy bỏng của con người về phúc, lộc, thọ, tài. Đúng là trong tâm thức người Việt, chữ Hán vẫn là một cái gì đó gần gũi thân thương, chứ không hoàn toàn “chết” hẳn: 天增歲月人增壽/春滿乾坤福滿堂 Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ / Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường, 新年幸福平安進/春日榮華富貴來 Tân niên hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai, 福深似海/祿高如山 Phúc thâm tự hải / Lộc cao như sơn, 福如東海/壽比南山 Phúc như đông hải / Thọ tỷ nam sơn [2], 歲有四時春在首/人生百幸孝為先 Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ / Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên (một năm có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu / người đời có trăm nết tốt, hiếu thảo là trước tiên)…
Không chỉ vậy, trên lịch xuân còn có dạng câu đối ngắn, thường bằng chữ Quốc ngữ, in cách điệu như cách viết chữ Hán ở hai bên (tạo sự cân xứng cho bố cục lịch). Đây cũng là một dạng dùng chữ nghĩa thú vị ngày xuân. Dĩ nhiên có những câu chẳng có chút gì gọi là đối ngẫu nếu xét trong hệ thống quy luật của câu đối. Điều này do sự không hiểu luật của chính người làm câu đối hiện đại. Nhưng ở đây ta không xét đến luật lệ ấy, ta chỉ xét đến “không khí” mà lượng ngôn từ trong câu ấy mang đến mà thôi. Chẳng hạn các câu: Mừng xuân vui phú quý an khang / Chúc bốn mùa cát tường như ý, Vui xuân lộc trỗi nhà no ấm / Đón tết phúc đầy nước thái bình, Tống cựu nghinh tân mừng xuân mới / Dân an quốc thái đón thanh bình… Ta thấy, ngay trong những câu đối Việt này thì lượng từ ngữ cố định là lời chúc ngày xuân gốc Hán cũng chiếm số lượng đáng kể. Chính lượng từ ngữ ấy đã tạo nên sự trang trọng, ấm cúng cần thiết cho câu đối tết của người Việt. Ngoài ra còn có những câu đối dạng tuyên truyền cổ động, thể hiên ước mơ chung của người Việt hiện đại: Làng văn hoá tết về tiếng thơm bay chín núi / Bản ấm no xuân đến lời hát rộn mười mường, Đất nước mừng xuân câu đối tết / Gia đình hoà thuận thiệp mừng xuân, Lộc biếc mai vàng xuân hạnh phúc / Đời vui sức khoẻ tết an khang …
Ở một số vùng miền, chủ yếu là miền nam Trung Quốc, vào ngày tết người ta còn dán ngược chữ phúc với hy vọng “phúc đáo” gia. Chữ phúc dán ngược nghĩa là nó bị “đảo”, mà âm “phúc” và âm “đảo” đọc liền nhau sẽ trở thành “phúc đáo”, tức là phúc đến. Phúc đến nhà ai mà không thích! Đây của là một niềm mơ ước về những điều tốt lành trong dịp xuân về được thể hiện rất gọn gàng, ý vị qua chữ Hán. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong một số gia đình người Hoa ở Việt Nam nhưng chưa phổ biến.
Đó không đơn giản chỉ là “sính chữ”, đó là nét văn hoá đặc thù thể hiện ước mơ, khát vọng của con người. Nếu mua để trưng thì nó thể hiện ước mơ, khát vọng được những những điều tốt lành của gia chủ; nếu mua để tặng thì nó là một lời chúc ý vị mà người tặng thể hiện với người được tặng nhân dịp “năm hết tết đến”.
3. Rõ ràng trong đời sống hiện đại, chữ Hán nói riêng, những truyền thống quý báo của ông cha nói chung đã không bị mai một. Chúng đã có cuộc “cách mạng” để ứng biến linh hoạt với bối cảnh mới, không gian mới rất hợp thời. Đây cũng là một dạng sáng tạo văn hoá cần được giữ gìn, phát huy. Nhất là chúng ta lại đang bước vào cuộc hội nhập có quy mô toàn cầu, thì yêu cầu giữ gìn truyền thống càng phải được tăng cường hơn bao giờ hết. Những câu, từ bằng chữ Hán hiện đại này không phải để vực dậy nền Nho học đã qua mà là vực dậy tâm thức con người Việt Nam đã có hơn ngàn sử dụng chữ Hán. Đó là một thị hiếu của dân tộc.


[1] Đây là một tập tục tốt có xuất xứ Trung Quốc. Âm Hán Việt của từ này là “lợi hỉ”,  “lì xì” là cách đọc phỏng theo âm của Trung Quốc sang sống ở Việt Nam từ giai đoạn Minh Thanh. Một số tác giả cho rằng đây là từ được phiên từ “lợi thị”.
[2] Nam sơn: núi nam, tức Tần Lĩnh Chung Nam Sơn. Kinh thi, phần Tiểu nhã, bài Thiên bảo có câu: “Như nam sơn chi thọ, bất khiêm bất băng” (Thọ như núi nam, không lệch không đổ), sau nhân đó mà từ này trở thành câu chúc thọ.

3 nhận xét:

  1. Có phải viết câu đối và viết chữ ngày tết nói chung thì mình phải dùng chữ phồn thể không ạ?

    Trả lờiXóa
  2. bạn thử viết bằng chữ giản thể đi, nhìn câu đối thấy kỳ kỳ sao ấy

    Trả lờiXóa
  3. chơi Câu đối Tết là nét đẹp truyền thống của người việt ta

    Trả lờiXóa