Pages

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Tứ đại danh khuyển


Giống chó Bắc Hà - Một trong tứ đại danh khuyển
Chó Bắc Hà được gọi là giống chó quốc khuyển của nước ta. Như các bạn đã biết thì Việt Nam hiện nay có 4 giống chó được cho là quốc khuyển. Chó phú quốc, chó mông cộc, chó dingo Đông Dương và chó Bắc Hà. Mỗi giống trên đều có những đặc điểm riêng rất ưu việt: dũng mãnh, dẻo dai, thông minh, kỷ luật…tuy nhiên chúng đều có chung một đặc điểm đó là mang đậm bản sắc Việt Nam.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về một trong bốn “tứ đại danh khuyển” của Việt Nam là chó Bắc Hà.

Giống chó Bắc Hà - một trong tứ đại danh khuyển

Nguồn gốc của giống chó Bắc Hà
Chó Bắc Hà là giống chó xuất hiện và được sử dụng khá sớm trong cuộc sống của những người dân Việt Nam. Lâu nay, chúng được biết đến với tên gọi chung là chó xù hay chó xồm.
Từ trước đến nay nó là giống chó được đồng bào H mông vùng Bắc Hà , Lào cai nuôi để làm chó săn, làm bạn đồng hành trong những chuyến đi rừng hay nuôi làm chó bảo vệ.
Chó Bắc Hà có nhiều đặc điểm rất giống với loại chó chow chow của vùng Tây Tạng Trung Quốc. Chính vì thế nhiều giả thuyết cho rằng, tổ tiên giống chó bắc hà cũng là giống chó thuộc vùng đất Hy Mã Lạp Sơn.
Trong quá trình di cư của người H’mông (dân tộc này bên Trung Quốc gọi là Miêu Tộc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam gọi là Người Mèo) có nguồn gốc từ các nhóm dân cư ở Seberi tràn vào lãnh thổ Trung Hoa để tìm kiếm vùng đất ấm áp hơn từ 5000 năm trước, họ đã mang theo những con vật nuôi của mình theo hành trình di cư từ Seberi qua phía tây vào Cao nguyên Thanh Hải của nước Trung Hoa, rồi qua xuống ngả Miến Điện, Bắc Thái Lan và ngày nay sinh sống ở biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Người H’mông sinh sống nhiều ở Tây Bắc Việt Nam bắt đầu từ cuối thời Hậu Lê.
Như vậy, nó là một trong số ít những giống chó gắn bó với dân tộc Việt Nam từ thời xa xưa.
Chúng là loại chó lông xù, cổ gáy thường bờm lông mọc rất tốt giống như bờm sư tử . Lông đuôi hình bông lau hay đuôi sóc (ảnh 2). Với 2 đặc điểm nổi bật này, chó bắc hà thực sự là một loại chó đẹp, và nhiều nơi họ còn cho rằng đây là loại chó mang tính phong thủy.
Nhìn chung, chúng có những đặc điểm chính về ngoại hình như sau:
- Là giống chó có kích thước trung bình.
- Chiều dài thân hơi dài hơn chiều cao, khung xương gọn gàng.
- Có bộ lông dài, lớp lông dày
- Đôi tai vểnh.
- Đuôi xù (đuôi bông, dạng đuôi sóc) xoăn cuộn trên lưng hoặc buông thõng xuống quá kheo chân.
- Có bộ lông cổ và vai dài tạo thành bờm cổ cách biệt với lông trên thân.
- Có các màu lông khác nhau như trắng, đen, vàng, vện, xám, khoang. Một số cá thể có màu hung đỏ.
Khi chuyển động, chó Bắc Hà có bước chạy nhẹ nhàng nhưng vững chắc. Với tốc độ trung bình, các bàn chân tạo thành 2 đường thẳng song song. Ngoài ra, nó còn có thể thay đổi hướng chuyển động dễ dàng và khéo léo, cũng như chuyển động với tốc độ cao trên những địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp.
Tính cách nổi bật của giống chó Bắc Hà
Một loại chó sống trên vùng cao, và thường được sử dụng làm bạn đồng hành trong mỗi chuyến đi của người dân tộc vùng cao. Hơn nữa chó bắc hà luôn đề cao cuộc sống bầy đàn, Chính vì thế mà nó có tính cách đặc biệt phục tùng và trung thành với người chủ của chúng. Chúng cũng thường được nhiều người lựa chọn trong những chuyến đi săn dài ngày.
Chó bắc hà rất nhanh nhẹn và hoạt bát, phản xạ nhanh nhậy sắc bén, nên chúng là một trong những loại chó đặc biệt thông minh, dễ huấn luyện, rất kỷ luật và rất biết nghe lời chủ.
Nhìn chung, chúng có một số tính cách nổi bật như sau:
- Linh hoạt, nhanh nhẹn.
- Ham huấn luyện.
- Thân thiện với các thành viên trong gia đình, nhưng rất hoài nghi và cảnh giác với người lạ.
- Thần kinh ổn định, không biết sợ nhưng không hiếu chiến.
- Đa năng, có thể sử dụng để chăn gia súc hoặc huấn luyện làm chó nghiệp vụ (đánh hơi, canh gác).
Ngày nay tại Bắc Hà, Lào Cai người dân bản vẫn còn nuôi rất nhiều giống chó này (hầu như mỗi nhà đều có ít nhất là một con) và vào mỗi dịp cuối năm, tại các phiên chợ tết vùng cao Bắc Hà, bà con dân bản lại mang những chú chó của mình xuống chợ để mua bán, trao đổi với những người yêu chó từ khắp nơi về đây.
Như vậy, dù có khá nhiều giống chó ngoại du nhập vào nước ta nhưng “tứ đại danh khuyển” trong đó có chó Bắc Hà luôn giữ được bản sắc riêng của mình, mang đậm chất và hồn Việt Nam và cũng được rất nhiều người quý trọng, coi như những người bạn thân thiết.
Giống chó Phú Quốc - giống chó đẹp của thế giới
Chó Phú Quốc là một loại chó riêng của đảo Phú Quốc, Việt Nam. Nó là giống chó rất thông minh, trung thành và là niềm tự hào của người dân đảo Phú Quốc nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Giống chó Phú Quốc có đặc điểm phân biệt với các loại chó khác là các xoáy lông ở trên sống lưng. Nó là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên lưng trên thế giới. Hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông xoáy Rhodesia và chó lông xoáy Thái.

Giống chó Phú Quốc
Giống chó Phú Quốc

Đặc điểm cơ thể và tính cách đặc trưng của giống chó Phú Quốc
Là giống chó nổi tiếng tinh khôn với điểm đặc trưng dễ phân biệt: trên lưng có những vòng xoáy chạy thẳng một đường, bắt đầu từ vai đến xương khu. Lúc chạy theo con mồi hoặc gặp đối thủ thì những vòng xoáy này sẽ dựng đứng lên trông rất dũng mãnh. Chó chạy nhanh như sóc, bơi lội giỏi như rái cá, trung thành, tinh khôn, có thể nghe và hiểu được lệnh của chủ.
Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát (1-2 cm) rất ngắn nên khi ướt chó Phú Quốc chỉ cần lắc mình vài lượt nước sẽ bắn đi do đó sẽ mau khô. Hiện chó xoáy Phú Quốc đã được thuần dưỡng như vật nuôi. Nhưng người dân trên đảo Phú Quốc vẫn thích những chó xoáy được sinh ra trong hang, vì họ tin như vậy mới đúng loại chó xoáy Phú Quốc.
Chúng có nhiều biệt tài so với các loài chó khác. Quân đội nhà Nguyễn đã dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển vì chó Phú Quốc khi xác định được lãnh địa thì làm chủ hoàn toàn lãnh địa của mình. Không có bất cứ một người lạ, vật lạ nào rơi vào phạm vi lãnh địa của chúng mà chúng không phát hiện.
Chó Phú Quốc dễ làm quen với người. Khi gặp bất kể người thân hay sơ, chúng đều vẫy đuôi mừng rối rít. Người lạ thường có thể sờ mó con chó mà không bị cắn. Đây là nhược điểm của những chó xoáy trong việc giữ nhà.
Sức khỏe của giống chó Phú Quốc
Chó Phú Quốc là loài chó có “hàm lượng” hoang dã khá cao, cả trong cơ thể lẫn trong tính cách. Bởi vậy mà nó thường dế mắc bệnh khi thay đổi môi trường sống, tuy nhiên khi mắc bệnh nó thường có khả năng tự khỏi mà không cần bất kỳ can thiệp nào của con người nếu nó được sống trong môi trường thích hợp
Chó Phú Quốc thường bị bệnh đường ruột, nhất là khi thay đổi môi trường sống. vì thế khi đưa về đất liền tỷ lệ chết cũng khá cao nếu như chúng ta không biết cách chăm sóc cũng như không thể mang lại một không gian sống phù hợp với nó.
Mẹo vặt
Khi chó Phú Quốc bị bệnh đường ruột, hãy lấy một ít gừng đâm nhuyễn, vắt lấy nước trộn với mật ong rồi cho chó uống sẽ hết (tốt hơn nên lấy ống tiêm thuốc bơm vào miệng chúng).
Không nên cho chó uống nước đường sẽ làm cho bệnh càng thêm nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Lịch sử của giống chó Phú Quốc
Trong dân gian Việt Nam, chó Phú Quốc được coi là "vương khuyển" vì trong lịch sử đã từng có 4 con chó Phú Quốc được vua Gia Long sắc phong một cách trang trọng, không kém những công thần khai quốc của nhà Nguyễn.
Bốn con chó Phú Quốc (2 đực, 2 cái) được vua Gia Long nuôi và đã theo ông suốt những năm bôn tẩu. Trong sách "Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ", cuốn sách gia truyền ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc, đã ghi rõ về 4 con chó này, không những về chiến công mà còn mô tả kỹ càng về đặc tính của chó Phú Quốc. Các chú chó Phú Quốc này đã cứu nguy cho vua Gia Long 2 lần thoát chết trước khi lên ngôi. Chúng giải vây cho ông thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn và bảo vệ cho ông thoát nạn.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long khi bình công phong thưởng cho tướng sĩ, đã không quên sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc danh hiệu: "Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân". Đến khi 4 con chó qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu thờ trọng thể. Ngày 14 tháng 12 năm 2008, Hiệp hội chó giống quốc gia Việt Nam (VKC) đã chính thức đăng ký giống chó Phú Quốc với Hiệp hội chó giống quốc tế để được thế giới công nhận.
Ngày 5 tháng 07 năm 2011, lần đầu tiên chó Phú Quốc đã được đưa sang Paris để tham dự FCI World dog show 2011 - cuộc thi chó đẹp thế giới năm 2011. Tại đây, chó Phú Quốc đã đoạt giải CACS (chứng chỉ chó đẹp cấp thế giới, có thể gọi là "Vô địch thế giới chó Phú Quốc năm 2011").
Giống chó H'mong cộc đuôi - Báu vật của người dân tộc vùng Tây Bắc
Loài chó H’ Mông cộc đuôi là một trong những loài chó săn cổ xưa nhất được biết đến hiện nay. Với những đặc tính độc đáo và sự thông minh tuyệt vời cùng với một thể lực tốt và bền bỉ, chúng luôn được đồng bào dân tộc H’Mông thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam coi như “báu vật” trong nhà.
Ngày nay, giống chó H’mông cộc đuôi không chỉ nổi tiếng đối với người dân bản vùng núi Tây Bắc mà nó còn được rất nhiều người từ đồng bằng đam mê chó săn lùng và ao ước được sở hữu. Nó không chỉ được biết đến như một loại chó săn cổ xưa dũng mãnh mà còn được biết đến như một trong “tứ đại danh khuyển” rất quý và hiếm của Việt Nam – Gắn bó cùng bao đời người dân Việt Nam, mang “thần sắc Việt Nam” và góp phần hình thành nên “một Việt Nam” như ngày nay.

Giống chó H'mong cộc đuôi
Giống chó H'mong cộc đuôi

Lịch sử của giống chó H’mông cộc đuôi
Chó H’mông cộc đuôi thường được nuôi ở các vùng núi Tây Bắc của Việt Nam. Được cho là một trong những loại chó có lịch sử lâu đời và cổ xưa nhất hiện nay. Chúng được xếp vào các dòng chó săn hay chó bảo vệ. Một trong bốn loại chó được xếp vào thuộc hàng quốc khuyển của Việt nam cùng với chó Phú Quốc, chó Bắc Hà, và chó Dingo Đông Dương.
Chó H’mông cộc được những người đồng bào dân tộc thiểu số nuôi để đi săn bắn nhưng ngày nay chúng được nuôi chủ yếu với mục đích là để trông nhà. Chúng trông nhà rất tốt. Hiện nay rất nhiều người dưới xuôi như Hà Nội, Thái Bình, hay các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông hồng mang về nuôi rất nhiều và H’mông cộc đuôi thích nghi với điều kiện sống mới khá tốt.
Đặc điểm hình thái chung của giống chó H'mông cộc đuôi
Về hình dáng bên ngoài, ngoại hình của chúng khá đặc trưng với vẻ chắc nịch, đầy cơ bắp và chiếc đuôi cụt ngộ nghĩnh. Loài chó H’ Mông có nhiều điểm đặc biệt:
- Tầm vóc trung bình, toàn thân cơ bắp và đậm chắc, hơi dài, có khung xương rộng, đầu to và ánh mắt biểu cảm. Kích thước bề ngoài cũng tương đương với dòng chó ta hay còn gọi là chó kiến.
- Gần như không có đuôi, nếu có thì cũng rất ngắn.
- Nanh của loài chó này thường có từ 6 đến 8 cạnh khác nhau (đây là đặc điểm của loài chó săn cổ xưa, theo kiểu cắn cổ con mồi và xé thịt).
- Tai có hình tam giác, luôn dựng đứng.
- Hai chân sau luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công.
- Sự khác biệt về hình thể giữa hai giới là không lớn. Chó cái có thể hình không thua kém nhiều so với chó đực, ngoại trừ kích thước hơi nhỏ hơn và các đường nét của đầu mềm mại hơn.
Tổng thể một con chó H’Mông cộc đuôi có thể hình hơi góc cạnh, thiếu các nét thanh tú và mềm mại nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt, cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Tính cách tính cách đặc trưng của giống chó H'mong cộc đuôi
Giống chó H’mông cộc đuôi ngoài những đặc tính bình thường như nhanh nhẹn, tinh khôn, nhiệt tình, khả năng làm việc cao…thì còn có những đặc tính rất đáng quý nữa mà khó có thể tìm thấy ở một loài chó nào khác.
Đầu tiên phải kể đến là bản năng bảo vệ lãnh thổ. Gọi là bản năng vì dường như chúng thành thạo công việc này từ rất bé (lúc mới được 2-3 tháng tuổi).
Sau đó là sự trung thành, có không ít loài chó cũng rất trung thành nhưng trung thành đến nỗi chỉ nghe lời của một chủ duy nhất hay thà nhịn đói đến chết chứ không chịu ăn thức ăn từ người khác không phải là chủ thì chắc chỉ có ở H’mông cộc đuôi.
Ngoài ra, H’mông cộc đuôi còn có một trí nhớ rất tốt mà đặc biệt là nhớ đường. Có thể đặc tính này được rèn luyện từ xưa khi chúng cùng với người dân bản Tây Bắc trong những cuộc đi săn. Gần đây, có người nuôi H’mông cộc đuôi ở Hà nội còn kể lại: “vừa mới bán chó cho một người khác cách nhà 10km sáng hôm trước thì chiều hôm sau nó đã cắn đứt xích và tự tìm đường về nhà trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người trong gia đình.”
Thêm nữa, H’mông cộc đuôi cũng là một lựa chọn không thể hoàn hảo hơn cho công việc trông giữ nhà. Tuy chúng khá lì lợm, ít sủa nhưng khi có người lạ mà không có chủ ở đó thì chúng rất hung dữ. Chúng không sủa như nhiều con chó bình thường khác mà im im tiến đến và tấn công người lạ - điều này cũng chính là hạn chế của chúng vì nhiều khi sự quá cảnh giác và hung giữ đó khiến H’mông cộc trở nên nguy hiểm trong mắt nhiều người.
Giống chó Dingo đông dương
Như trong bài viết trước về chó Bắc Hà chúng tôi cũng đã có giới thiệu qua, Dingo Đông Dương là một trong bốn giống chó được coi là quốc khuyển của Việt Nam. Mang đậm chất và hồn Việt Nam. Trong dân gian, nó còn có tên là chó Lài, với một vẻ đẹp hoang dại và nhiều đặc điểm rất giống chó sói.
Nó là một giống khá nổi tiếng và được săn lùng rất nhiều tuy nhiên hiện nay, rất khó để ta có thể tìm thấy một “chú” Dingo thuần chủng. Phần lớn các chú chó Dingo hiện nay đều đã được lai tạo với các giống khác nhau và được tìm thấy nhiều nhất ở hạ lưu song mã (thuộc tỉnh Thanh Hóa).
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu rõ hơn về giống chó này từ nguồn gốc cho đến những đặc điểm về hình dáng cũng như tính cách đặc trưng để các bạn có thể lý giải được tại sao nó lại nổi tiếng và được xem là một trong “tứ đại danh khuyển” của Việt Nam.

Nguồn gốc của giống chó Dingo Đông Dương
Nguồn gốc của giống chó Dingo Đông Dương

Nguồn gốc của giống chó Dingo Đông Dương.
Đây là một trong những giống chó cổ xưa, có nguồn gốc ở một số nơi thuộc vùng núi phía bắc của Việt Nam và ở một số vùng thuộc bán đảo Đông Dương. Chính vì thế mà nó có tên là Dingo Đông Dương. Và người ta tin rằng giống chó này là tổ tiên của hơn 600 giống chó hiện tại trên thế giới.
Giống này thuộc nhóm chó săn tự nhiên được người dân trên bán đảo Đông Dương nuôi từ hàng ngàn năm trước. Hiện tại, với tên gọi quốc tế là Canis Dingo, hầu hết được nhiều người hiểu như là giống chó hoang đang sinh sống tại châu Úc. Ít ai biết là trong quá trình mở rộng văn hoá Á-Úc từ đất liền sang các hòn đảo khu vực Đông Nam Á cách đây khoảng 5500 năm, tổ tiên loài Dingo có thể đã được mang sang châu Úc theo các đoàn thuyền buôn hoạt động giữa các vùng biển thuộc quần đảo Nam Dương, và chúng được mang theo để làm thực phẩm chứ không phải làm vật nuôi…
Trải qua hàng ngàn năm bị bỏ hoang ở một châu lục tách biệt (châu Úc), giống chó Dingo Đông Dương đã quay lại đời sống hoang dã và trở nên rất nguy hiểm đối với con người. Thực tế, nguồn gốc của nó chính là giống chó cổ của Việt Nam.
Đã có không ít huyền thoại cũng như những ghi chép về các đặc tính đáng quý của Dingo Đông Dương hay còn gọi là chó Lài. Trong đó, đa phần đều ca ngợi những phẩm chất rất đáng quý của nó như ở Bắc Hà – Lào Cai xưa có truyền thuyết rằng: “chó lài là loại chó bản lai với sói cực kỳ dũng mãnh, tinh khôn, là những thợ săn bậc nhất núi rừng Tây Bắc. Nhà ai nuôi nó cả năm không phải lo thiếu thịt thú rừng. Khi đi săn có con dám xả thân chiến đấu với cả hổ, gấu, lợn rừng để bảo vệ chủ. Giống chó này là khắc tinh của ma quỷ, nuôi nó trong nhà thì không sợ tà ma về quấy nhiễu nữa.”
Hay trong đoạn bút ký “Thú rừng tây nguyên” của nhà văn Thiên Lương có đoạn miêu tả cảnh đi săn dũng mãnh của chó Lài như sau: “…Giống chó lài đi săn tốt nhất, vì chó lài có chân cao, tai to, có sức khỏe. loại chó này đi xa nghe tiếng hú của chủ cũng biết mà về. Cặp chân cao của nó đảm bảo chạy nhanh, và cũng bạo gan nhảy từ trên cao xuống như dê rừng. Có khi sơn dương vừa nhảy từ trên cao xuống nó đã nhào theo, nhảy lên lưng, dùng mõm ngoác lấy cổ dê rừng. Chó lài còn đánh được cả con sói cao to hơn nó. Những người dân tộc ở Tây Nguyên, nhà nào cũng nuôi chó lài đi săn, thì quanh năm có thịt ăn. Khi chó ốm người ta nấu cháo gạo nếp và giã mía lấy nước cho nó uống. Con chó quý là công cụ sản xuất của gia đình, đối với những người lấy nghề đi săn để sinh sống.
Con báo, khi đã leo lên cây, gặp chó lài ở dưới đất, đố dám xuống. Con trăn gió thường nuốt nổi cả con bê mới sinh hoặc cả hươu sao, vậy mà gặp chó lài, đuôi trăn cũng trở thành vô dụng.
Vốn là một loài rất khôn, khi đi săn, chó lài thường đi đôi với nhau, gặp con mồi cả hai con cùng đâm lao vào kẻ địch, chứ không như chó thường.
Rất táo bạo chúng xông ra từ giữa bầy dê, chộp đúng con nó định bắt, chứ không đuổi lộn xộn hay đánh lén. Với lối xọc sâu táo bạo bất ngờ ấy, khi con dê đầu đàn được cả đàn bảo vệ cẩn thận mà cũng bị nó chộp lôi đi. Vì thế, người ta dùng chó lài từng đôi để đi săn, ít ai chịu đem một, vì không sử dụng được lối đánh tập trung của nó. Nếu đi săn cọp, phường săn thường tung vào trận khoảng chục con chó săn thường để làm vướng chân cọp, chứ không dùng chó lài đi săn một mình…”
Như vậy, có thể thấy từ ngàn xưa Dingo Đông Dương cũng đã đóng góp một vai trò không hề nhỏ trong các gia đình Việt Nam nhất là các gia đình thuộc vùng núi cao từ Tây Nguyên cho đến Tây Bắc.
VietDVM team

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét