Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Chuỗi cung ứng năm 2016 sẽ ra sao?


Nếu bạn không quan tâm đến tương lai chuỗi cung ứng thế giới sẽ ra sao, bài viết này không phù hợp với bạn. Nếu bạn không thuộc mẫu người có thể hợp tác và cùng đạt lợi ích với đối tác (win-win), bạn cũng sẽ thấy những ý tưởng của bài viết là viễn vông
Nhưng nếu bạn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với thế hệ mai sau, có thể đây là cơ hội để bạn thay đổi suy nghĩ của mình về định hướng phát triển của chuỗi cung ứng thế giới và Việt Nam trong tương lai.
 « Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng kiểu suy nghĩ khi ta tạo ra chúng!»
Albert Einstein

Nhiều người đánh giá 2012 – một bộ phim viễn tưởng về ngày tận thế do hậu quả của biến đổi khí hậu, với kết luận là, loài người chỉ có thể còn tồn tại nếu hợp tác chặt chẽ cùng nhau, không phân biệt màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị để hướng đến một mục tiêu chung vì thế hệ tương lai - chỉ là một bộ phim thương mại giải trí bình thường. Nhưng những người vừa thấm thía «mùa đông lạnh nhất trong lịch sử Châu Âu» hồi đầu tháng 1/2010 hay chứng kiến những cơn bão kinh hoàng liên tiếp quét vào Đông Nam Á và Trung Quốc trong năm 2009 sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn khác về một kịch bản cho tương lai của thế giới. Với những thảm họa thiên nhiên xảy ra ngày càng nhiều và liên tục tại khắp nơi trên thế giới, vấn đề biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn lao cho nhân loại. Quản trị chuỗi cung ứng tương lai, để ứng phó với bài toán toàn cầu nan giải trên, đòi hỏi phải có những phương cách giải quyết chưa có tiền lệ trong quá khứ.
Mới đây, Ủy ban sáng kiến thương mại toàn cầu (Global Commerce Initiative) và công ty tư vấn hàng đầu về công nghệ và thuê ngoài Capgemini đã công bố báo cáo về chuỗi cung ứng thế giới năm 2016 (Future supply chain 2016 – website http://www.futuresupplychain.com), trong đó, đưa ra những sáng kiến mang tính định hướng cho chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai. Việt Nam đang thích nghi nhanh chóng trong nền kinh tế toàn cầu. Những mối quan tâm của thế giới về biến đổi khí hậu, về cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sẽ không nằm ngoài những vấn đề Việt Nam đang nỗ lực vượt qua. Bài viết này tổng hợp từ báo cáo trên một số xu hướng quan trọng trong chuỗi cung ứng tương lai của thế giới để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm. Bài viết không nói về những vấn đề quản trị doanh nghiệp thường ngày, do vậy, chỉ phù hợp cho những người đang hướng tầm nhìn đến chuỗi cung ứng tương lai của thế giới.
Phát triển bền vững – thách thức từ tương lai
Khái niệm phát triển bền vững (Sustainable development) được nhắc đến rất nhiều trong thế kỷ 21. Người tiêu dùng phương Tây ngày càng ý thức hơn về vấn đề môi trường và hành động bằng cách chỉ sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng từ các thị trường mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi,… cũng đang học hỏi xu hướng tiêu dùng phương Tây và sẽ trở thành những thị trường tiêu dùng chính trong tương lai. Xu hướng đô thị hóa (dự báo trên 50% dân số toàn cầu sẽ sống ở đô thị từ năm 2010) sẽ làm nhiều người cảm nhận áp lực từ cuộc sống ngột ngạt ở các đô thị lớn (ô nhiễm môi trường, ồn ào, tắc nghẽn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…) và đòi hỏi nâng cao chất lượng cuộc sống trở nên bức thiết. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa một cách bền vững là một nhu cầu đang ngày càng mạnh lên trên thế giới.
Các chuỗi cung ứng cũng phải theo dòng chủ lưu đó để đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng với các tiêu chí: an toàn, tiết kiệm, ổn định và thân thiện với môi trường. Trong tương lai, các chuỗi cung ứng, ngoài việc đáp ứng các mục tiêu hiện tại như (1) hàng hóa luôn sẵn có (2) với chi phí thấp nhất và (3) đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, lãnh đạo các chuỗi cung ứng sẽ phải mở rộng mối quan tâm đến các mục tiêu hướng đến phát triển bền vững: (4) giảm lượng khí thải CO2 (5) tiết kiệm năng lượng (6) dễ dàng truy cập nguồn gốc – xuất xứ hàng hóa và (7) giảm tắc nghẽn giao thông. Các thách thức của tương lai (từ số 4 đến số 8) có vẻ chưa được lưu tâm nhiều, nhưng dù sớm hay muộn điều đó cũng sẽ xảy ra. Ai có thể đứng ngoài trào lưu chung bảo vệ sự phát triển lâu dài của thế giới vì cố gắng bám lấy lợi ích cho riêng mình?
Là một nước xuất khẩu lớn về hàng hóa nông sản, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải ý thức chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng phương Tây. Chẳng hạn, mới đây, từ năm 2010, các nhà đánh bắt cá Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc IUU (hệ thống ngăn ngừa và loại trừ nạn đánh bắt cá bất hợp pháp) để có thể xuất khẩu sang Châu Âu. Trước đó, chúng ta đang quen dần với các tiêu chuẩn về ISO, HACCP hay Global GAP. Còn trong tương lai? Ắt là những đòi hỏi sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn. Biết trước điều đó, ít nhiều ta có thể chuẩn bị từ bây giờ. Tương tự, trên thị trường nội địa, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm sâu sắc hơn về vấn đề khí thải, tiết kiệm năng lượng, nguồn gốc hàng hóa và tắc nghẽn giao thông… như các công dân toàn cầu khác. Nhiều công trình mới xây dựng đều phải vượt qua các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Các phương tiện vận tải cũng đều nhấn mạnh đến khía cạnh tiết kiệm nhiên liệu hoặc chuyển sang dùng nhiên liệu ít gây ô nhiễm (như xe chạy bằng khí thiên nhiên). Nhiều thiết bị điện tử mới đều có xu hướng trang bị tính năng tiết kiệm năng lượng (ti vi, tủ lạnh, máy tính…). Thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, có thành phần độc hại bị phát hiện ngày càng nhiều sẽ dần dần loại ra các nhà sản xuất gian dối, hệ thống pháp lý và thực thi sẽ mạnh lên và «làm sạch» sân chơi cho các nhà sản xuất chân chính. Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề tắc nghẽn giao thông sẽ được lưu tâm nhiều để đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của xã hội: vùng đồng bằng sông Cửu Long rồi sẽ thông suốt bằng những cây cầu lớn thay thế cho những chuyến phà hay kẹt vào giờ cao điểm, quốc lộ 1B và 1C sẽ song hành với quốc lộ 1A đảm bảo lưu lượng giao thông trên cả nước, Hà Nội đã mở rộng gấp 3 lần sau khi sát nhập với Hà Tây, Tp.HCM sẽ tiếp tục mở rộng về phía Đông với nhiều hệ thống đường cao tốc, các chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều góp phần giúp người dân giảm di chuyển, các tuyến Metro đang trong quá trình nghiên cứu triển khai… Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu ngày 7/12/2009 vừa qua, nhằm đánh giá những kết quả đạt được sau một năm triển khai thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương cần đề cao tính chủ động trong công việc, đồng thời cần hết sức lưu ý tới công tác quy hoạch trong năm 2010 và những năm tới trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu đã công bố (nếu mực nước biển dâng lên 1m, Việt Nam sẽ mất 38% lãnh thổ, nghiêm trọng hơn, là những vùng cung cấp sản lượng lúa lớn nhất nước, đe dọa an ninh lương thực). Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm gì trước thách thức từ tương lai?
Mô hình chuỗi cung ứng năm 2016
 Từ sau hội nghị về biến đổi khí hậu ở Bali – Indonesia năm 2007, Ủy ban sáng kiến thương mại toàn cầu đã khởi xướng các nghiên cứu để ứng phó với những thách thức của tương lai. Lãnh đạo của 24 tập đoàn về bán lẻ và hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới (như P&G, Unilever, Nestle, Colgate-Palmolive, Philips, Metro, Wal-mart…) cùng công ty tư vấn Capgemini đã cùng tham gia vào dự án «Chuỗi cung ứng năm 2016» để thảo luận, chia sẻ thông tin và đề ra các giải pháp mang tính đột phá cho chuỗi cung ứng trong tương lai. Mô hình của chuỗi cung ứng tương lai được mô tả trong hình dưới.
Hình 1 : Mô hình chuỗi cung ứng năm 2016
Những đặc điểm chính của chuỗi cung ứng tương lai như sau :
·      Thông tin về nhu cầu tiêu dùng sẽ được chia sẻ rộng rãi giữa các thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng: người tiêu dùng (tín hiệu tiêu dùng phát đi từ nhà hoặc từ cửa hiệu bán lẻ), nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ logistics và nhà bán lẻ.
·      Sau khi được sản xuất, hàng hóa sẽ được chuyển đến các nhà kho chung (nhiều nhà sản xuất cùng sử dụng chung một nhà kho).
·      Các phương tiện vận chuyển chung sẽ chuyển hàng từ nhà kho chung nói trên đến các trung tâm phân phối chung cho cả một thành phố hoặc các vùng nông thôn.
·      Các trung tâm phân phối chung, nằm ở ngoại ô của các thành phố, sẽ tập kết hàng và dùng phương thức lưu chuyển hàng liên tục (cross-docking) để tiết kiệm thời gian, trước khi chuyển hàng đến các điểm bán lẻ.
·      Các vùng nông thôn cũng sẽ có các trung tâm phân phối với vai trò tương tự như các trung tâm phân phối ở thành phố.
·      Các điểm phân phối sẽ được bố trí rất thuận tiện để đưa hàng đến người tiêu dùng nhanh nhất, chẳng hạn giao hàng đến tầng trệt của một chung cư cao tầng, giao về các cửa hàng bán lẻ nhỏ trong một khu dân cư…
Với mô hình trên, rõ ràng chuỗi cung ứng tương lai sẽ giúp chúng ta vượt qua được những thách thức từ môi trường thông qua mối quan hệ cộng tác chặt chẽ. Thông tin tiêu dùng được truyền đi liên tục trong chuỗi cung ứng giúp nhà sản xuất nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường và không bị tồn kho. Các nhà kho thay vì phân tán rải rác (mỗi doanh nghiệp đang sở hữu nhà kho riêng, với quy mô dành cho riêng doanh nghiệp mình) được hợp nhất thành các nhà kho trung tâm, giảm được rất nhiều chi phí về đất đai, xây dựng, nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ quy mô và nâng cao tính thân thiện với môi trường. Các phương tiện vận tải chung sẽ giảm lưu lượng lưu thông, tiết kiệm năng lượng, giảm kẹt xe và khí thải. Các trung tâm phân phối sẽ rất gần người tiêu dùng giúp giảm thời gian chờ trong chuỗi cung ứng. Theo tính toán của nhóm dự án, nếu mô hình hợp tác trên có thể thực hiện được, giả định chỉ sử dụng công nghệ kho bãi và vận chuyển hiện tại, chi phí vận chuyển trên mỗi Pallet có thể giảm 30%, thời gian lưu chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng giảm 40%, đồng thời, giảm 25% lượng khí thải CO2 trên mỗi Pallet trong khi vẫn đảm bảo hàng hóa luôn sẵn sàng trên quầy kệ. Rõ ràng, chuỗi cung ứng tương lai được kỳ vọng đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho các ngành công nghiệp, cho từng doanh nghiệp, và cho mọi người tiêu dùng. Mối quan tâm giờ đây là làm sao để triển khai được mô hình chuỗi cung ứng này một cách rộng rãi trên phạm vi toàn cầu ?
Giải pháp cho một số ngành hàng tiêu dùng
Dự án đã đề xuất ra một số giải pháp quản trị chuỗi cung ứng cho từng ngành hàng cụ thể. Xin ưu tiên chọn những ngành hàng gần gũi với Việt Nam để chia sẻ cùng độc giả.
Ngành hàng nước giải khát. Ngành nước giải khát có đặc điểm chi phí tồn kho cao và chi phí vận chuyển lớn (hàng nặng). Ngoài ra, khả năng dự báo còn nhiều hạn chế do thông tin không được chia sẻ thường xuyên trong chuỗi cung ứng (giữa người bán lẻ và nhà phân phối, giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên vật liệu). Giải pháp đề nghị bao gồm :
·      Sử dụng một nhà kho chung, được quản lý bởi một nhà cung cấp dịch vụ Logistics độc lập. Hãy nghĩ đến kịch bản Pepsi, Coca-cola và Tân Hiệp Phát cùng để cho một công ty dịch vụ Logitics như ICD Sóng Thần hay Mearsk quản lý, lưu trữ hàng trong một kho lớn chung.
·      Sử dụng xe chuyên dụng (kích thước lớn) để cùng chứa các sản phẩm nước giải khát, như thế sẽ tiết kiệm được số lượng xe cần thiết và các bên đều có lợi.
·      Giảm các trung tâm phân phối nhỏ và phân tán, tập trung vào các trung tâm phân phối hiện đại và chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường (green warehouse).
·      Cập nhật và đồng bộ dữ liệu trong toàn chuỗi cung ứng. Mỗi hành vi mua sẽ được gửi tín hiệu đến cho trung tâm thông tin để quay ngược dần dần về trung tâm phân phối, nhà máy và nhà cung cấp nguyên vật liệu. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện nhờ công nghệ truyền dẫn đang ngày càng rẻ và thiết bị đầu cuối cũng ngày càng phổ thông (như điện thoại di động).
Ngành hàng rau quả. Hàng rau quả có đặc điểm chu kỳ ngắn (từ lúc thu hoạch đến lúc tiêu thụ), phải đảm bảo được chất lượng và tươi ngon, phải di chuyển xa từ nơi thu hoạch đến người tiêu dùng và phải cung ứng cho địa phương và cả toàn cầu. Giải pháp đề nghị bao gồm :
·      Sử dụng các túi đựng được tiêu chuẩn hóa, dễ mang vác, chuyên chở.
·      Rau quả sau khi thu hoạch được chuyển về kho trung tâm chung với đầy đủ công nghệ lưu trữ lạnh (như mô hình kho nông sản của Metro ở Lâm Đồng) và tiết kiệm điện năng (dùng điện năng từ gió và năng lượng mặt trời).
·      Thiết lập các dịch vụ sơ chế hoặc chế biến sẵn ngay tại các kho trung tâm giúp đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon và dễ vận chuyển.
·      Sử dụng phương tiện chuyên chở tiết kiệm như xe tải có hệ thống làm lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời.
Hành động vì thế hệ mai sau
Lộ trình đi đến chuỗi cung ứng tương lai sẽ đòi hỏi sự kết hợp của các tập đoàn, các công ty lớn, và các đối tác trong chuỗi cung ứng. Từ «hợp tác» được nhấn mạnh rất nhiều lần, bởi lẽ mỗi doanh nghiệp có thể đóng góp một số giải pháp sáng tạo nhưng chỉ dựa trên hoàn cảnh cụ thể của mình và chưa đủ để tạo ra một giải pháp sáng tạo phù hợp với mục tiêu chung. Cần có những công ty đầu ngành đứng ra khởi xướng để thúc đẩy chuyện hợp tác trong các chương trình hành động sau:
·      Chia sẻ thông tin – thúc đẩy việc chia sẻ thông tin trong chuỗi cung ứng của các ngành hàng. Tận dụng xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong việc chia sẻ thông tin (RFID, đường truyền không dây tốc độ cao, các trung tâm thông tin...)
·      Sử dụng các nhà kho chung cho một hoặc nhiều ngành hàng (tùy theo quy mô). Nhà kho sẽ do một doanh nghiệp 3PL chuyên nghiệp điều hành để nhà sản xuất chỉ cần tập trung vào năng lực lõi là sản xuất và tiếp thị.
·      Thiết lập các trung tâm phân phối ở các đô thị lớn và mạng lưới phân phối đến tận nhà hoặc các điểm bán lẻ. Chính quyền địa phương nên tham gia vào công tác hoạch định mạng lưới phân phối này và có chính sách ưu tiên hỗ trợ. Mô hình này cũng giúp giảm bớt bài toán kẹt xe ở các đô thị hiện nay.
Kịch bản về chuỗi cung ứng năm 2016 có thể chưa trở thành hiện thực trong năm 2016, hoặc có thể chưa được triển khai áp dụng trên phạm vi toàn cầu ngay lập tức, nhưng nó phản ánh một xu thế cốt lõi và tất yếu: con người phải hợp tác với nhau nhiều hơn, tin cậy nhau để xây dựng một thế giới bền vững. Nếu không, thế hệ mai sau sẽ không còn được chứng kiến những điều tốt đẹp như chúng ta đang được thụ hưởng ngày nay. Người lãnh đạo là người được kỳ vọng thấy trước tương lai và dẫn dắt những người xung quanh đi đến tương lai đó. Hy vọng, thông điệp từ báo cáo trên sẽ làm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam lưu tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét