Cũng như các chữ viết khác trên thế giới, chữ Hán được hình thành từ các
nét vẽ miêu tả các sự vật hiện tượng xung quanh con người. Nhưng khác ở
đây là chữ Hán đã chọn một cách phát triển không giống các chữ viết
khác trên thế giới. Với các chữ viết khác trên thế giới, khi xã hội phát
triển, con người đã đơn giản các nét vẽ và dùng các nét đó để thể hiện
cho một âm tiết nào đó trong tiếng nói của các dân tộc đó. Còn với chữ
Hán, nó vẫn giữ lại ý nghĩa tượng hình ban đầu của chữ. Và dùng các phép
tạo chữ khác để tạo nên các chữ có ý nghĩa trừu tượng (xem thêm ở
dưới). Chính vì thế, chữ tượng hình mặc dù chiếm một phần không lớn
trong chữ Hán, nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn trong hệ thống chữ
Hán.
Chữ Hán được hình thành theo các cách chính sau đây:
1. Chữ Tượng Hình (象形文字): "Tượng hình" có nghĩa là căn cứ trên hình
tượng của sự vật mà hình thành chữ viết. Các chữ này rất dễ nhận biết và
đơn giản.
2. Chữ Chỉ Sự (指事文字) hay chữ Biểu Ý (表意文字): Cùng với sự phát triển của
con người, chữ Hán đã được phát triển lên một bước cao hơn để đáp ứng đủ
nhu cầu diễn tả những sự việc đó là chữ Chỉ Sự. Ví dụ, để tạo nên chữ
Bản (本), diễn đạt nghĩa "gốc rễ của cây" (根), thì người ta dùng chữ Mộc
(木) và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa "ở đây là gốc rễ" và chữ Bản (本)
được hình thành. Chữ Thượng (上), chữ Hạ (下) và chữ Thiên (天) cũng là
những chữ Chỉ Sự được hình thành theo cách tương tự. "Chỉ Sự" có nghĩa
là chỉ định một sự vật và biểu diễn bằng chữ.
3. Chữ Hội Ý (會意文字): Để tăng thêm chữ Hán, cho đến nay người ta có nhiều
phương pháp tạo nhiều chữ mới có ý nghĩa mới. Ví dụ, chữ Lâm (林, rừng
nơi có nhiều cây) có hai chữ Mộc (木) xếp hàng đứng cạnh nhau được làm
bằng cách ghép hai chữ Mộc với nhau (Rừng thì có nhiều cây!!). Chữ Sâm
(森, rừng rậm nơi có rất nhiều cây) được tạo thành bằng cách ghép ba chữ
Mộc. Còn chữ Minh (鳴, kêu, hót) được hình thành bằng cách ghép chữ Điểu
(鳥, con chim) bên cạnh chữ Khẩu (口, mồm); chữ Thủ (取, cầm, nắm) được
hình thành bằng cách chữ Nhĩ (耳, tai) của động vật với tay (chữ Thủ 手,
chữ Hựu 又). Những chữ được tạo thành theo phương pháp ghép như trên gọi
là chữ Hội Ý (會意文字). "Hội Ý" có nghĩa là ghép ý nghĩa với nhau.
4. Chữ Hình Thanh (形聲文字): Cùng với những chữ Tượng Hình, Chỉ Sự và Hội
Ý, có nhiều phương pháp tạo nên chữ Hán, nhưng có thể nói là đa số các
chữ Hán được hình thành bằng phương pháp hình thanh, gọi là chữ Hình
Thanh (形聲文字). Chữ Hình Thanh chiếm tới 80% toàn bộ chữ Hán. Chữ Hình
Thanh là những chữ bao gồm hai phần: phần hình (形) là phần biễu diễn ý
nghĩa chính mà đã được dùng từ lâu đời, và phần thanh (声) là phần biểu
diễn cách phát âm chính xác của từ đó. Ví dụ, chữ Khẩu (口) có hình biểu
diễn việc ăn hoặc nói, và chữ Vị (未) có các phát âm giống chữ vị (trong
khẩu vị) khi ghép hai chữ với nhau tạo nên chữ Vị (味) của khẩu vị. Bộ
Thủy (氵) biểu diễn nghĩa dòng sông hoặc dòng nước chảy, khi ghép cùng
với chữ Thanh (青, màu xanh) tạo thành chữ Thanh (清) có nghĩa là "trong
suốt" hoặc "trong xanh".
5. Chữ Chuyển Chú (轉注文字): Các chữ Hán được hình thành bằng bốn phương
pháp kể trên, nhưng còn có những chữ có thêm những ý nghĩa khác biệt, và
được sử dụng trong những nghĩa hoàn toàn khác biệt đó. Ví dụ, chữ Dược
(藥), có nguồn gốc là từ chữ Nhạc (樂), âm nhạc làm cho lòng người cảm
thấy sung sướng phấn khởi nên chữ Lạc (樂) cũng có nghĩa là vui vẻ. Chữ
Dược (藥) được tạo thành bằng cách ghép thêm bộ Thảo (có nghĩa là cây cỏ)
vào chữ Lạc (樂). Chữ Khảo 考và Lão 老 có âm gần nhau vừa có nghĩa là
"già" nên có thể dùng làm 1 cặp chuyển chú. Như vậy chữ được hình thành
theo phương pháp dùng chữ có cùng một bộ thủ, thanh âm gần nhau, ý nghĩa
giống nhau, có thể chú thích cho nhau được gọi là chữ Chuyển Chú
(轉注文字).
6. Chữ Giả Tá (假借文字): Những chữ được hình thành theo phương pháp bằng
cách mượn chữ có cùng cách phát âm (dùng chữ đồng âm thay cho chữ có
nghĩa mới mà không cần phải tạo ra chữ mới) được gọi là chữ Giả Tá
(假借文字).
Trên đây là giải thích về bốn cách tạo chữ và hai cách sử dụng chữ Hán.
Bốn cách tạo chữ và hai cách sử dụng được gọi chung là Lục Thư (六書).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét